Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2023 là ngày nào làm gì để báo hiếu cha mẹ
Khi nhắc đế Lễ Vu Lan trong tháng 7 âm lịch hằng năm chúng ta nghĩ ngay đến những người cha mẹ của mình. Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.Trong ngày này thường có nhiều hoạt động ý nghĩa để những người con có thể tỏ lòng biết ơn và thành kính đến cha mẹ như ăn chay, niệm Phật, cầu an cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ; quan tâm, hỏi han cha mẹ thường xuyên và chuẩn bị mâm cơm tươm tất để dâng lên đức Phật, các vị thần linh và gia tiên.
Hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày lễ vu lan báo hiếu này nhé
I.Lễ Vu Lan là lễ gì?
Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông). Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm trùng với ngày Xá tội vong nhân nên có nhiều hoạt động tín ngưỡng và được xem là một ngày lễ lớn trong năm.
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.Lễ Vu Lan không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn được xem là ngày lễ trọng đại ở nhiều nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
II.Nguồn gốc Lễ Vu Lan
Vu Lan chữ hán được viết tắt của Vu Lan Bồn cũng được gọi là Ô Lam Bà Na, là cách phiên âm Phạn Hán với nghĩa là treo ngược lên. Do vậy các Đại Sư Trung Quốc dùng từ Đảo Huyền là treo ngược lên cho Vu Lan.
“Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.
Ngài là Tôn giả được mệnh danh là Đệ nhất thần thông và nổi tiếng trong kinh điển bởi hai điển tích: Xuống Địa ngục cứu mẹ, bà Thanh Đề và minh chứng sống về sức mạnh tuyệt đối của Định nghiệp.
Sự tích về Mục Liên Thanh Đề được lấy ý tưởng từ kinh Vu Lan Bồn của Phật giáo Bắc Tông, “Vu Lan Bồn” có ý nghĩa là cứu người chịu cảnh khổ treo ngược dưới địa ngục.Ngày xưa có một người đàn bà tên là Thanh Đề rất sùng đạo Phật. Bà ta sùng Phật đến nỗi cho rằng những cơm bánh do lúa gạo người ta trồng ra ở đồng ruộng thì không thể nào tinh khiết được, nên không một thứ nào đáng đem lễ Phật.
Vì thế, hằng năm bà ta trồng lúa nếp trong những cái gáo dừa đựng đất sạch. Luôn luôn bà treo cái gáo đó lên một chỗ cao vì sợ có người bước qua. Khi lúa chín, bà thận trọng rứt từng hạt một, giã nó bằng một cán dao mới tinh, rồi mới đưa nắm gạo đó đựng vào bát thờ mà dâng lên chùa, mỗi lần lột một vỏ trấu cho hạt gạo là một câu niệm phật của bà.
Khổ nỗi, hai ông bà nghèo quá, không tìm ra được gì để cúng Phật, nên hai ông bà quyết tâm mỗi ngày dậy sớm ra đồng mót lúa. Qua thời gian, hai ông bà cũng dành dụm được ít lúa chắc, cố gắng thức suốt đêm đến sáng, dùng tay bóc vỏ trấu, hai ông bà được gần một lon gạo, vui mừng nấu được nồi cơm thơm, chuẩn bị tươm tất, trong lòng hoan hỉ, dắt nhau đi đến ngôi chùa.
Một hôm, vị sư trụ trì là cao tăng có đạo hạnh, ông tham thiền nhập định biết được ngày mai sẽ có một đại thí chủ sẽ mang cả tấm lòng thành của mình đến cửa phật cúng dường. Nhưng vì có việc phải đi xa, ông dặn dò chú sãi phải tiếp đón vị đại thí chủ cho chu đáo.
Vị sãi nghe lời thầy dặn dò đón khách quý, lòng rất vui mừng, siêng năng, hăng hái làm theo lời thầy, quét sân, tưới cây, lau chùi sạch sẽ, trang trí khá tươm tất, rồi ngồi mong ngóng khách quý đến lễ Phật cúng dường.
Đến ngày, vịsãi cứ chờ đợi từ sáng mà không thấy có ai ăn mặc sang trọng hay bậc phú quý vương giả nào đến tìm, tận chiều thì mới thấy ở cổng lùa lấp ló người nữ nghèo nàn. Bà Thanh Đề thấy có vị sư thì đến xin cho vào chùa, trước là lễ phật, sau là cúng dường tam bảo, bà đã chờ ở đây từ sáng vì không dám gọi cửa sợ làm phiền nơi thanh tịnh.
Vị Sãi thấy người đàn bà rách rưới như ăn xin nên đuổi thẳng, đóng kín cổng chùa lại còn cười cợt người đàn bà chỉ có một chén gạo mà cũng đòi làm phước. Trời càng gần trưa càng nắng nóng, hai ông bà năn nỉ xin vào mấy lần không được. Việc phát tâm về chùa lễ Phật, cúng dường, tấm lòng tốt của hai ông bà đã không được chào đón.
Phần vì tuổi già đi đường mệt mỏi, phần vì đói, lại phải gặp việc đối xử như vậy, lòng kiên nhẫn đã hết và tâm sân hận sanh khởi lên nơi bà vợ. Mặc dù được ông lão khuyên can, nhẫn nhịn, bà lão vẫn không kềm được lửa sân hận, bà chửi rủa chùa chiền, từ tăng cho đến Phật, lời nguyền rủa nặng nề, thề độc phá hoại Phật pháp. Chưa hả giận, bà hất gói cơm văng tung tóe, chửi thêm một hồi rồi căm tức bỏ về.
Hai chú điệu không ngờ xảy ra sự việc như vậy, sợ hãi trốn sau chùa. Đến chiều tối, vị sư trụ trì về đến, hỏi thăm và nghe hai đệ tử nhỏ tuổi kể lại toàn bộ sự việc. Ngài giật mình và hối hận vì bản thân đã không nói rõ hơn, làm hai chú điệu tuổi còn nhỏ hiểu lầm, để xảy ra sự việc đáng tiếc, và nhân quả hệ lụy nguy hiểm vô cùng. Lo sợ bà lão trong cơn sân hận đã tạo nghiệp dữ sẽ sanh vào ác đạo nhiều đời sau.
Xem lại cũng do lỗi của mình thiếu suy xét, không cẩn thận, vị sư đến quỳ trước Tam Bảo sám hối, phát nguyện nhiều đời đi theo, sanh vào làm con bà lão để hướng thiện bà, chuộc lại lỗi của mình.
Nhiều kiếp về sau, nhờ trước đó có tấm lòng trọng Phật kính tăng, có gieo trồng thiện căn nên bà Thanh Đề làm vợ của một trưởng giả giàu có ở thành Vương xá tên là Phó Tướng, tài sản nhiều vô kể. Chồng bà là người sớm giác ngộ giáo lý phật đà, bà Thanh Đề nhìn thấy chồng làm việc phóng sinh, bố thí thì tức lắm nhưng không nói được gì.
Sau đó, ông trưởng giả đã không may vong mạng trong một trận hỏa hoạn, bà từ đó càng thêm căm thù nhà Phật. Vốn dĩ chồng bà là người sống nhân đức nhưng lại chết thảm, bà cho là những lời kinh kệ chỉ toàn là xảo trá và thế là bà quyết trả thù tăng chúng.
Bà Thanh Đề cho tổ chức trai tăng cúng dường và mời chư tăng về nhà để thiết đãi, bà giết một con chó để làm nhân màn thầu dâng cúng chư tăng và định bụng sẽ đi rêu rao cho tất cả mọi người biết về các sư thầy ăn thịt chó.
Vị tăng trưởng ngồi thiền vào định biết được bà Thanh Đề có ác ý muốn hãm hại chư tăng phá giới, ông sai gấp các sư phải may tay áo của mình thật rộng dài để thay cho bình bát.Tay áo sẽ là chiếc túi, lúc họ đến dùng trai tăng chỉ ăn phần vỏ bánh còn nhân bên trong lén cho vào tay áo, cũng từ đó tay áo của nhà sư mới rộng dài đến thế.
Trên đường về, các sư thầy lấy phần nhân thịt ra vứt một bên đường, Bồ tát nhìn thấy con chó tội nghiệp chết oan nên đã cho nó sống lại. Nhưng có vị sư đã sơ ý ăn phần nhân của một chiếc bánh, phần thịt đó chính là thịt chân sau của chó vì vậy khi sống lại nó chỉ còn 3 chân, từ đó về sau loài chó khi đi vệ sinh lại giở một chân sau lên.
Từ nơi thịt chó kia bị vứt thì mọc lên cây hành có mùi hăng nồng, vì vậy mà ngày nay luật trong chùa nấu ăn không được sử dụng hành, tỏi.Bà Thanh Đề có một người con trai tên là La Bốc, công tử nhờ sự giáo dưỡng của cha nên sống rất đạo đức, nhân nghĩa.
Sau khi cha chết, thọ tang được 3 năm, La Bốc thưa với mẹ xin mở tất cả kho để kiểm điểm tài sản, thấy còn tổng cộng 3 vạn quan. Ông thưa với mẹ xin chia tài sản ra làm 3 phần: m ột phần xin dâng mẹ, một phần xin cúng dường Tam Bảo, phần còn lại xin được làm vốn để ra nước ngoài buôn bán.
Khi La Bốc đi rồi, bà Thanh Đề liền cho hội tất cả tôi tớ lại và bảo: “Con ta trước khi đi có dặn ta cúng dường Trai Tăng, nhưng ta không tin. Vậy nếu các ngươi có thấy Chư Tăng đến thì vác gậy đuổi đánh, làm như vậy để cho họ đừng tới nữa. Số tiền dành cúng Trai tăng ta sẽ mua heo, gà, vịt, ngỗng, trâu, bò, dê, ngựa giết để tế thần rồi ăn cho sướng cái miệng, ăn hết mua nữa, tội gì phải cúng Tăng”!
Sau ba năm buôn bán giàu to, La Bốc quay về. Ông chưa vội về nhà, ở ngoài thành kêu gia nhân tên Ích Lợi về nhà thông báo. Tỳ nữ Kim Chi được tin, báo với Bà Thanh Đề. Bà lập tức sai gia nhân bày biện phan phướn trong nhà, giả như đã làm trai tăng.
Khi Ích Lợi vô nhà, Bà Thanh Đề hỏi con đang ở đâu? Ích Lợi thưa: Đang còn ở ngoài phía Tây thành. Bà Thanh Đề nói: sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thiết trai cúng dường chư Tăng hơn 500 vị. Ích Lợi nghe vậy rất hoan hỉ, bước vô nhà thấy phan, phướn, giường, chiếu, chén, bát còn ngổn ngang chưa dọn dẹp, nên liền quay lại báo tin cho La Bốc hay.
La Bốc hết sức vui mừng vội về nhà, vừa đi vừa lạy. Họ hàng quyến thuộc thấy La Bốc về cũng chạy ra đón tiếp, họ ngạc nhiên hỏi:
– Trước không có Phật, sau không có Tăng, Ông lạy ai?
– La Bốc trả lời: “Tôi lạy mẹ tôi, vì khi tôi đi rồi, mẹ tôi thiết trai cúng dường Tăng hơn 500 vị”.
Họ hàng cho biết: Khi ông đi rồi thì mẹ ông chỉ gây nghiệp, đánh đuổi tăng chúng. Tiền ông dặn thiết trai mẹ ông mua trâu, bò, gà, vịt cắt tiết tế thần, hàng ngày giết ăn”. La Bốc nghe vậy té xỉu xuống đất, giây lâu mới tỉnh.
Bà Thanh Đề nghe nói, chạy tới cầm tay con thề: “Trời cao lồng lộng, bể rộng thênh thang, nếu con đi rồi mà mẹ không có thiết trai cúng dường Tăng chúng thì xin về nhà liền chịu bệnh chết, sau khi chết bị đọa địa ngục, chịu mọi ác báo”. La Bốc nghe vậy mới chịu trở về nhà.
Vừa về đến nhà, bà Thanh Đề thấy người khó chịu và lâm trọng bệnh, chỉ trong 7 ngày liền mệnh chung. La Bốc chôn mẹ trong một khu rừng, cất chòi canh ở cạnh mộ phần, thủ hiếu trong 3 năm, cúng dường tượng Phật, thắp hương lễ kính, thọ trì trai giới, tụng niệm kinh kệ hồi hướng mẫu thân.
Nhưng ông lại nghĩ: Muốn báo thâm ân không gì bằng xuất gia tu hành, học đạo, nên đến núi Kỳ Xà Quật xin Phật cho xuất gia, được Phật đặt cho tên: Đại Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên tôn giả không biết mẹ mình sau khi chết đã đọa sanh đường nào nên đã dùng thiên nhãn thông mà nhìn soi, ông thấy được thân mẫu sanh làm ngạ quỷ nơi địa ngục cực hình.
Tôn giả mang cơm xuống tận A Tỳ địa ngục để dâng cho mẹ trong lúc đọa làm quỷ đói.Qua nhiều cửa ngục, thấy các tội nhân bị hành hình rất khổ sở, Ngài rất thương tâm, xin với chúa ngục cho chịu thay, chúa ngục cho biết: “Tội ác nơi địa ngục ai làm nấy chịu, dù có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được”.
Đến một ngục kia rất kiên cố tên Cao Tường, vách sắt nghìn lần, tường cao muôn dặm, mắt tuệ nhìn không thấy, pháp thân cũng không thể lọt qua. Ngài Mục Liên trở về bạch Phật, Phật dạy: “Muốn đến địa ngục đó phải dùng gậy, áo, bát của Phật, đến ngoài cửa giộng 3 cái thì cửa ngục sẽ tự mở. Phật cho mượn 3 món, Ngài Mục Liên làm y theo lời.
Cửa ngục mở ra, Mục Liên bước vào, chúa ngục hoảng sợ vội đẩy Ngài ra và hỏi: “Ngài là người như thế nào mà vào được ngục này, vì ngục này chỉ có những người không tin Tam Bảo, phạm tội ngũ nghịch?” Mục Liên thưa Ngài là đệ tử của Phật muốn tìm mẹ để báo ân. Chủ ngục liền tra sổ sách và lớn tiếng gọi bà Thanh Đề, báo tin cho biết là có một Thầy tên là Mục Liên tới thăm và nói rằng nếu quả thật Ngài là con của bà thì chẳng bao lâu bà sẽ thoát địa ngục.
Bà Thanh Đề cứ lặng im không thấy lên tiếng. Chúa ngục liền gạn hỏi vì sao không trả lời, thì bà bảo là sợ chịu khổ thêm nên không dám nói, lúc còn sống bà có một người con nhưng không có xuất gia và cũng mang tên khác. Chúa ngục hỏi lại Ngài Mục Liên thì Ngài bảo: “Khi còn cha mẹ tôi tên là La Bốc, khi cha mẹ mất tôi mới xuất gia và có tên là Mục Liên”. Bà Thanh Đề biết đúng là con nên mới xin gặp.
Chúa ngục dắt bà Thanh Đề ra. Mục Liên thấy mẹ bị dao đâm khắp mình, toàn thân lửa cháy, cổ mang gông sắt, mình khoác lưới sắt, từ các lỗ chân lông máu tuông lênh láng thì đau lòng khóc lóc nói với mẹ: “Thiết Trai Tăng gồm 500 vị tưởng đã sinh thiên, hưởng mọi thú vui. Con đi tìm mẹ khắp các cõi trời nhưng không thấy, nào ngờ gặp mẹ nơi địa ngục”.
Bà Thanh Đề nghẹn ngào nói: “Tưởng rằng mẹ con không bao giờ được nhìn thấy nhau, không ngờ ngày nay giữa chốn địa ngục sung sướng được gặp”. Mục Liên hỏi: “Con ở dương gian làm mọi Phật sự sớm tối không ngơi, trai nghi cúng mẹ có ích gì không ? Bà Thanh Đề trả lời: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu, phải lập công đức mới cứu được mẹ.
Khi còn ở đời mẹ không tu phúc, chỉ gây nghiệp ác, lại thề với con là đã tu phúc nên ngày nay phải đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng. Đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng”. Nói chưa dứt lời chúa ngục đã giục Bà Thanh Đề vào trong vì đã đến giờ chịu tội. Bà Thanh Đề còn ngoảnh lại nói với Ngài Mục Liên: “ Thân mẹ đau đớn không chịu nổi, con về bạch Phật xin tìm phương pháp cứu mẹ thoát khỏi tội báo địa ngục”.
Mục Liên nghe nói đau đớn khôn xiết, vập đầu vào tường cầu xin chúa ngục cho mình vào chịu tội thay cho mẹ. Chúa ngục trả lời là không thể được, bảo Ngài về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ mới mong tiêu trừ nghiệp ác, sinh về nơi cực lạc”.
Mục Liên lại bạch Phật xin từ bi tìm mọi phương pháp cứu mẹ thoát khổ. Tấm lòng hiếu thảo làm Phật thương xót nhận lời thỉnh cầu. Phật cùng đệ tử thiên long, thánh chúng đi lên hư không, phóng hào quang xuống làm cho các dụng cụ hành hình biến thành hoa quả, giường sắt biến thành tòa sư tử, tất cả đại chúng thấy được thân Phật và được thoát khổ.
Mục Liên hỏi Phật mẹ mình hiện giờ thác sinh chỗ nào? Phật bảo: “Vì tội chướng sâu nặng, vừa thoát khỏi ngục A Tỳ lại phải sinh ngục Hắc Am. Mục Liên lại xuống ngục Hắc Am tìm mẹ, gặp được mẹ liền dưng cơm, bà Thanh Đề thấy cơm mừng rỡ, vội bốc ăn, nhưng cơm chưa đến miệng đã biến thành lửa.
Mục Liên lại khóc lóc trở về bạch Phật. Phật dạy: “Thỉnh các Đại Đức đã tu đắc đạo, đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, cúng dàng Tam Bảo, sám hối thay mẹ, cứu độ u hồn”. Ngài Mục Liên làm theo Phật dạy, thiết lễ cúng dường, sau đó hỏi Phật mẹ Ngài hiện ở chỗ nào? Phật dạy: “Sinh lên cõi trời Đao Lợi, hiện đời an vui”.
A Di Đà Phật – Đi, đứng, nằm ngồi xin hãy thường niệm!
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi; Mục Kiền Liên đã tu chứng, lại đắc thần thông, lại không cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục? Hoặc tại sao đức Phật, khi được đại đệ tử của mình cầu cứu, lại không giúp ngay, mà lại chỉ đến thỉnh các chư tăng?
Ngày trước, chúng tôi cũng có nghi vấn, vì cho rằng: Có thần thông phép tắc thì muốn cứu ai cũng dễ dàng, hơn nữa Mục Kiền Liên đã tu chứng, đạt đạo, lại làm việc chính đáng là thể hiện tấm lòng người con muốn cứu mẹ mình? Rồi Đức Phật là Giáo chủ đầy quyền năng sao không tự mình giúp đệ tử mà lại giới thiệu qua chư tăng? Sau này nghĩ lại mới thấy suy luận lúc trước đây thật là ấu trĩ, buồn cười.
Trung Hoa cổ có câu chuyện, có người học trò tên Tăng Sâm vốn là người con hiền, hiếu thảo, bà mẹ cũng là người nhân hậu. Một hôm, có người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn. Thực sự có kẻ trùng tên với ông giết chết người, chứ chẳng phải là ông. Nhiều người cùng nói sẽ có tác dụng mạnh, giống như sự cộng hưởng.
Thời điểm qua ba tháng an cư kiết hạ, việc tập trung tinh tấn tu học nên giới đức và trí tuệ của chư tăng ni tăng trưởng rất nhiều. Sự thỉnh nguyện số đông chư tăng đầy đủ giới đức cùng chú nguyện, khuyên bảo sẽ có tác dụng lớn lao đến đối tượng hướng đến. Đôi khi người trong nhà dù rất giỏi, nhưng khó khuyên bảo người nhà, người ngoài lại nói được, nên người Việt Nam có câu: Bụt chùa nhà không thiêng.
Việc một người tâm chấp rồi mắc kẹt bởi niệm tà kiến của mình, rất khó gỡ bỏ. Trước hết, họ phải nhận thức được nỗi khổ trên bản thân họ, và mong muốn thoát khỏi nỗi khổ đó. Sau đó, được những người có uy tín, hiền đức mà họ kính trọng, đến với họ cùng tâm từ bao dung, khuyên bảo họ sẽ chịu nghe, càng nhiều người càng có tác dụng.
Khi thấy ra, tâm họ sáng tỏ, bỏ đi kiến chấp trước đây, không còn mắc kẹt cố chấp trong tâm nữa, tức thời họ tự giải thoát. Là như vậy, chứ thần thông nào cứu họ được nếu họ bảo thủ, chết chìm trong kiến chấp của mình?
Ý nghĩa qua câu chuyện bà Thanh Đề rất thực tiễn cho mỗi người trong cuộc sống đang hiện hữu này. Bản thân mỗi người, trong gia đình hay những người xung quanh, chịu khó quan sát, dễ nhận thấy ra tích chuyện bà Thanh Đề cũng là câu chuyện có bóng dáng của chính mình trong ấy, từ đó có cách nhìn thực tế, tích cực trong việc chuyển hóa thân tâm, thay đổi cách nhìn và điều chỉnh hành vi theo hướng thiện, vừa tốt đẹp cho mình, vừa đem lại lợi ích cho những người xung quanh.
Báo hiếu cho cha mẹ quan trọng, thiết thực và có ý nghĩa nhất vẫn là hướng đạo cho cha mẹ biết đến Tam Bảo, biết tu học theo Chánh pháp khi còn tại thế, gieo nhân địa tốt đẹp cho vị lai. Một khi đã mất thân người, còn chút vớt vát với song thân bằng cách sắm sanh lễ vật thỉnh chư tăng chú nguyện, việc này lợi ích cho người sống hơn là người đã quá vãng, buồn thay!
Thử quán xét xem, lúc còn đang sống với đầy đủ diệu dụng của sáu căn thanh tịnh, với phước báu đang có ở cõi Người,… mà đã khó học Đạo, khó tin Chánh pháp, thì làm sao đang nơi tối tăm khổ sở, lo sợ, bối rối trăm bề, tâm thần mê muội, dễ đâu nghe nổi lời chú nguyện, khuyên bảo?! Có phải là ảo tưởng quá chăng? Có phải là vẫn mù mờ ảo vọng?
Trường hợp mẹ Thanh Đề là rất hy hữu: Do có được người con là Mục Kiền Liên tu chứng, hết lòng thương mẹ, thỉnh được rất đông chư tăng, đầy đủ oai đức thời Đức Phật, đồng tâm chú nguyện, khuyên bảo. Còn đa số bây giờ, lễ cầu siêu cũng rất nhiều, rất đông, cũng hoành tráng đó; người có trí thử suy nghĩ thực tế xem, có dễ siêu thoát được chăng?
Ở Phan Thiết vài năm trước đây, đã từng xảy ra chuyện bi hài, khi có một người bỗng nhiên tìm đến chùa, bỏ ra một số tiền, nhờ một ngôi chùa tập trung nhiều chư tăng, cầu siêu cho mẹ. Lễ xong, cúng dường phong bì cho quý thầy đầy đủ đâu ra đó, rồi vị ấy hỏi quý thầy rằng, mẹ ông có siêu thoát không?
Quý thầy trả lời rằng, với tấm lòng hiếu thảo của ông, cùng với việc đông chư tăng tụng kinh cầu siêu chú nguyện như vậy, mẹ ông chắc chắn sẽ siêu thoát. Năm sau đến ngày giỗ mẹ, có người thân cũng khuyên ông nên tổ chức mời chư tăng về cúng cầu siêu. Ông ngạc nhiên, nhưng cũng đến gặp thầy trụ trì năm trước, hỏi năm nay có nên cúng cầu siêu cho mẹ ông nữa không, thầy nói nên cúng chứ, và thầy vui vẻ sẵn sàng tập trung chư tăng giúp ông làm lễ.
Lúc này, ông ấy mới gay gắt lập luận rằng năm ngoái, ông bỏ tiền nhờ chùa tổ chức lễ cầu siêu, cúng dường quý thầy hậu hỉ, và đã được nghe đảm bảo rằng mẹ ông đã siêu thoát. Đã siêu thoát rồi, tại sao bây giờ lại cúng cầu siêu nữa làm chi, vậy là mấy thầy cúng ăn tiền rồi nói xạo, mẹ ông vẫn chưa siêu thoát được, ông muốn bắt đền (vì cho rằng nhà chùa đã vi phạm hợp đồng) và đòi lấy tiền lại.
Mặc cho mấy thầy lý giải này nọ, ông vẫn không chịu, và đòi làm lớn chuyện. Chuyện buồn cười này sau đó rồi cũng thôi, không kiện tụng và bồi thường gì, nhưng thời gian ấy đã thành trò cười, những lời đàm tiếu trong thiên hạ, chẳng biết là hướng về bên nào!
Tôn giả Mục Kiền Liên là tấm gương sáng cho gương hiếu hạnh, cho tấm lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Bà Thanh Đề là kinh nghiệm quý báu cho mọi người học hỏi, để biết cách thoát khỏi địa ngục trói buộc, chuyển tâm mà tự siêu thoát.
Cách báo hiếu của Tôn giả Xá Lợi Phất có phần may mắn hơn khi Ngài tìm về thăm và độ được mẹ trước khi bà mất. Lúc này, Ngài sắp tịch, và mẹ của Ngài, bà Xá Lợi đã gần một trăm tuổi. Đủ duyên, Ngài thuyết pháp cho mẹ mình, bà nhận ra, quy kính Thế Tôn, lìa bỏ kiến chấp ngoại đạo trước đây, thoát khỏi lưới mê, chứng quả Tu đà hoàn bước vào dòng Thánh, phúc lạc lâu dài.
III.Ý nghĩa của lễ Vu Lan Báo Hiếu
Theo đó, Vu Lan có ý nghĩa đầu tiên là sự báo hiếu: mọi người phật tử đều trông chờ đến ngày Vu Lan để đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời được giải thoát khỏi những cảnh khổ do nghiệp nhân nhiều đời mang lại.
Vì vậy, đây là ý nghĩa đầu tiên của người con Phật mong báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ, và còn cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được luôn sức khỏe và an lành. Đồng thời thấm sâu hơn nữa là giáo lý tỉnh thức của đạo giác ngộ để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại.
Ý nghĩa thứ hai: truyền thống Vu Lan còn là ngày cứu khổ – giải đảo huyền (nạn bị treo ngược) cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Vì vậy người phật tử muốn đến chùa tụng kinh Vu Lan và kinh Báo ân để cứu khổ cho cha mẹ nhiều đời và cả cho mọi người bị nạn trong cảnh khổ như treo ngược.
Tôi cũng muốn nói thêm, cái khổ như người bị treo ngược này không chỉ có trong địa ngục vô hình, mà kể những người trong thế gian cũng có thể thấy được trong vô số cảnh khổ do bị phiền não hành hạ.
Ý nghĩa thứ ba là nét truyền thống tri ân và báo ân: người phật tử quan niệm có 4 ân lớn đó là ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, ân Quốc gia và ân Chúng sinh. Do đó, ý nghĩa thứ ba của lễ hội Vu Lan chính là lễ hội tri ân và báo ân của người con Phật, và đến ngày rằm tháng bảy mọi phật tử đều mong đến chùa tụng kinh, lễ Phật, phóng sinh, bố thí làm nhiều điều thiện lành để đền đáp bốn ân nặng của người con Phật.
Ý nghĩa thứ tư: Chính là trong cuộc sống hiện tại của chúng ta phải sống đời thuận thảo với cha mẹ, bà con, thân thuộc. Nhất là phải săn sóc cha mẹ khi ốm đau, già yếu, cả vật chất lẫn tinh thần.
Hiện nay nét văn hóa ngày hiếu hạnh đã lan tỏa khắp mọi nơi qua truyền thống cài hoa hồng vào dịp ngày Vu Lan, đó cũng là nét văn hóa đẹp chúng ta cần tiếp nối và phổ biến để đem lại cuộc sống an lành cho mọi người, cho xã hội.