Tết Trung Thu và những điều bí mật thú vị – Kênh Tử Vi
Trung thu là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Những có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ về sự tích huyền bí cũng như phong tục của ngày tết trung thu, chỉ biết vào ngày này trăng sáng nhất, tròn nhất và mọi người quây quần bên mâm cỗ.
Tại sao Trung Thu lại gọi là Tết, Tết Trung Thu khác gì với các lễ tết thông thường hay không, ngày hôm nay chúng ta hãy cùng Kênh Tử Vi cùng nhau lội ngược thời gian, quay trở về với dân gian và cùng nhau lý giải phong tục tết trung thu đầy ý nghĩa này nhé.
I.Nguồn gốc và sự tích về Trung Thu
1.Lý giải nguồn gốc và ý nghĩa tết trung thu
Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng tám âm lịch, cả nước lại tổ chức vui tết Trung Thu. Tết Trung Thu là một ngày tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này và đây cũng là dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương với con trẻ.
Dưới ánh trăng sáng vành vạch cùng nhau phá cỗ trò chuyện và ước nguyện một đời bình an. Nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc và ý nghĩa của tết trung thu.Nhiều người bảo rằng tết Trung Thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng trên thực tế khi đi vào những giai thoại thì người Việt Nam và Trung Quốc đều có những nguồn gốc về tết trung thu khác nhau.
Nếu như trung thu của người dân Trung Quốc nhắc đến chuyện tình của Hằng Nga và Hậu Nghệ thì ở Việt Nam lại thêu dệt nên câu chuyện về chú Cuội chị Hằng.
a.Sự tích thứ nhất : Hằng Nga – Hậu Nghệ
Tương truyền, vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện 10 ông mặt trời, mặt đất bị đốt nóng, cây cỏ khô héo, sông hồ khô cạn. Hậu Nghệ dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, lập nên thần công cái thế, được nhiều người tôn kính và xin theo học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm tà bất chính.
Ít lâu sau, Hậu Nghệ cưới được người vợ vô cùng xinh đẹp, tốt bụng tên là Hằng Nga. Hàng ngày, ngoài việc dạy học, Hậu Nghệ luôn bên cạnh vợ, mọi người đều ngưỡng mộ đôi trai tài gái sắc này.
Một hôm, tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương, Hậu Nghệ được bà ban cho thuốc Trường sinh bất tử, uống vào sẽ được bay lên trời thành tiên. Không nỡ rời xa vợ, Hậu Nghệ không uống mà đưa thuốc cho Hằng Nga cất giữ, không ngờ đã bị Bồng Mông nhìn thấy.
Ba ngày sau, trong khi Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông giả vờ bệnh, xin ở lại, đã dột nhập hậu viện ép Hằng Nga đưa thuốc bất tử. Biết mình không phải là đối thủ của Bồng Mông nên Hằng Nga lấy thuốc ra và bỏ vào miệng uống, sau đó bay lên trời.
Nhưng do quá thương nhớ chồng nên Hằng Nga chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần nhân gian nhất và trở thành tiên. Mọi người hay tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên nữ, đã bày hương án, hoa quả dưới ánh trăng cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào Tết Trung thu được truyền đi trong dân gian.
b.Sự tích thứ hai : Vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng
Chuyện xưa kể rằng, vào đêm rằm tháng tám âm lịch, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong lúc dạo chơi vườn ngự uyển, vua Đường Minh Hoàng (713 – 741 Tây lịch) gặp đạo sĩ La Công Viễn (còn được gọi là Diệp Pháp Thiện). Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng.
Cảnh trí nơi đây vô cùng xinh đẹp! Nhà vua mãi lo thưởng thức tiên cảnh quên cả trời gần sáng. Đạo sỉ phải nhắc, vua mới ra về nhưng lòng còn vấn vương, luyến tiếc.Về hoàng cung, vua đã cho chế ra khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng.
Trong khi nhà vua cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.Từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc vào ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục dân gian.
c.Sự tích thứ ba : Sự tích Chú Cuội
Ngày xưa, ở vùng nọ có một tiều phu tên Cuội. Một hôm, Cuội vào rừng và tình cờ phát hiện một cây đa quý, có thể “cải tử hoàn sinh”. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội đã cứu sông rất nhiều người, tiếng đồn lan truyền khắp nơi, bọn xấu sinh lòng ghen ghét.
Hôm nọ, lợi dụng lúc Cuội đi vắng, bọn chúng đến nhà giết vợ Cuội và mổ bụng lấy ruột vứt bỏ. Cuội về, lấy đất nắn ruột, dùng lá cây cứu sống vợ. Do bộ ruột được làm từ đất, nên vợ Cuội thay đổi tính tình, trí nhớ giảm sút. Ngày kia, khi ở nhà một mình, người vợ đã dùng nước bẩn tưới lên cây. Cây đa tự nhiên bật gốc, từ từ bay lên trời.
Vừa lúc đó, Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng chụp lấy rễ cây để níu lại, nhưng cây vẫn cứ bay lên và kéo cả Cuội lên cung trăng. Từ đó, Cuội ở lại cung trăng với cây đa quý của mình. Nhìn lên mặt trăng vào những đêm rằm, ngưới ta thấy có một vệt đen giống hình cây cổ thụ, có người ngồi dưới gốc, người ta gọi đó là Chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Theo truyền thuyết, mổi năm cây đa chỉ rụng một lá vào đêm trăng sáng. Vì thế, vào đêm rằm tháng tám là đêm trang sáng nhất, người ta thường bày hương án, hoa quả, mắt hướng về phía mặt trăng để cầu nguyện mong nhận được phương thuốc tuyệt vời từ chiếc lá đa của chú Cuội.
Từ đó, tục ngắm trăng và cúng trăng vào đêm rằm tháng tám đã trở thành phong tục của người Việt Nam.
d.Sự tích thứ tư : Dương Quý Phi
Hay từ câu chuyện lịch sử Trung Quốc thời nhà Đường, nguồn gốc của tết trung thu gắn liền với nàng Dương Qúy Phi. Nàng là một trong tứ đại mỹ nhân làm nên giai thoại đất nước Trung Hoa bấy giờ. Cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bị triều thần cho rằng nàng mê hoặc nhà vua Đường Huyền Tông chìm đắm trong tửu sắc bỏ bê triều chính.
Đường Huyền Tông buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố triều đình trong niềm tiếc thương vô hạn. Vì niềm thương tiếc khôn nguôi ấy đã làm lay động các tiên nữ, vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, vua đã được đưa lên trời gặp lại Dương Qúy Phi. Sau khi về trần gian ông đặt ra tết trung thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi của mình.
Còn ở Việt Nam, nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, tết trung thu được tổ chức dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long. Là dịp mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, cho con dân ấm no.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.
Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.
Trung thu cũng là dịp nhàn rỗi của nghề nông. Lúc này lúa vụ mùa đã làm đòng, chỉ chờ đơm bông, mẩy hạt. Bằng kinh nghiệm theo dõi chu kỳ của thiên nhiên, người xưa trông trăng đêm Trung thu để dự đoán thời cuộc, mùa vụ: trăng màu vàng trúng mùa tơ tằm, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình… hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, “tỏ trăng mười bốn được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.
Nhưng dù là dấu hiệu “điềm lành” hay “điềm dữ”, thì con người vẫn luôn say đắm, đồng hành cùng trăng quanh năm suốt tháng, người cùng hòa hợp với trời đất, thiên nhiên để sinh tồn và phát triển.
Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá …
Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ… những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt…
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ…
Trong dân gian, Tết Trung Thu ngoài việc cúng gia tiên, phá cỗ, nghe chuyện về trăng, còn có chơi đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn cầy… Các trò như múa sư tử, hát đúm, hát trống quân… đã trở thành ngày hội không những của trẻ em mà còn của người dân cả nước.
2.Lý giải phong tục chơi đèn lồng trong Tết Trung Thu
Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an.
Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.Nói về nét văn hóa nữa của người Trung Hoa dịp trung thu được lưu truyền đến nay phải kể đến đèn Khổng Minh. Đèn Khổng Minh thường có kích thức lớn, dán giấy xung quanh và thắp nến ở giữa, sau khi viết ước nguyện lên đèn thì thả lên bầu trời.
Trong ánh trăng vàng thì từng ngọn đèn được đồng loạt thả làm sáng rực cả một vùng trời, từng ngọn đèn tựa như những ngôi sao sáng lấp lánh gửi thời thỉnh cầu của con dân tới các vị thần linh.
Còn đối với người Việt, đèn lồng trung thu được làm cho trẻ em chơi trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu.
Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.
3.Lý giải phong tục ngắm trăng trong Tết Trung Thu
Vào dịp tết trung thu hầu hết người dân Trung Hoa sẽ đổ ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăng trằm. Khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng với nhiều người, ánh trăng là biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong gia đình với nhau.
Còn ở Việt Nam, trăng có một ý nghĩa rất to lớn của đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời.
Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng rằm. Dưới ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc đa cho con mình nghe.
4.Lý giải phong tục phá cỗ trong Tết Trung Thu
Vào dịp trung thu mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ nào là bánh trung thu, kẹo, mía, thị,bưởi, dưa hấu…tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau.
Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của tết trung thu. Mâm cỗ trung thu là để cũng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình.
5.Lý giải phong tục múa Lân Tết Trung Thu
Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu.
Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống.
Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền.Phong tục múa trống lân bắt nguồn từ Trung Quốc. Hình ảnh con lân đã được người Trung Quốc thờ trong Thái Miếu ngay từ thời Khổng Tử và xếp vào bộ tứ linh là Long – Lân – Quy – Phụng.
Theo truyền thuyết của nước này, vào thuở khai thiên lập địa có một con thú ăn thịt người năm nào cũng đến rằm tháng Tám là xuất hiện, tác oai tác quái, làm cho dân làng hoảng sợ.Bỗng, ngày nọ có một nhà sư đến giúp dân trừ ác thú. Nhà sư cho một đệ tử bụng to, mặc bộ đồ đỏ rực, tay cầm chiếc quạt thần phất liên tục để xua ác thú và một số đệ tử khác thì gióng trống khua chiêng dồn dập, làm con ác thú khiếp đảm bỏ chạy.
Từ truyền thuyết đó, người Trung Quốc cải biên nhiều lần, cuối cùng đã biến con ác thú trở thành con lân, đệ tử bụng to trở thành ông địa và số đệ tử gióng trống khua chiêng trở thành những người đánh trống, đánh xập xèng trong một đội múa trống lân.
Ngày rằm tháng Tám hãi hùng trong truyền thuyết trở thành ngày Tết Trung thu của trẻ em. Tết Trung thu kéo dài nhiều ngày vào thời điểm giữa tháng Tám âm lịch hàng năm và múa lân là hoạt động chính trong dịp tết này.
Dần dần, phong tục múa trống lân và Tết Trung thu phát triển sang nhiều nước khác. Kiểu múa cổ nhất là múa kỳ lân. Đầu kỳ lân có 3 dạng chính: miêu hình, hổ hình và hổ báo hình.Độ to nhỏ của đầu lân và mình lân tuỳ theo kích thước của người múa lân. Còn quy mô thiết kế, chất liệu, thẩm mỹ thì phụ thuộc vào khả năng tài chính của những người tổ chức.
Trong quá trình biểu diễn múa trống lân, tiếng trống giữ vai trò chủ đạo. Khi lân múa: nhịp trống nhanh, lân quỳ: nhịp trống chậm lại, lân ngủ: nhịp trống thưa và nhẹ, lân thức dậy: nhịp trống rộn ràng, lân vượt chướng ngại hay ngoạm cờ, ngoạm tiền vào miệng: tiếng trống nhanh, mạnh, liên hồi… Ông địa có vai trò hết sức quan trọng và dễ gây ấn tượng với những động tác như địa chào, địa làm hề, địa dắt lân…
Có những ông địa nói lời chào hay, khiến gia chủ rất vui. Chẳng hạn: “Nay lân vào đuổi tà ma/Cho cửa nhà lộc đỏ, cho trái hoa chín vàng/Chúc cho gia chủ bình an/Học hành đỗ đạt, mùa màng bội thu”.
Nhiều gia đình đều đặn đến dịp Trung thu là rước lân vào nhà nhảy múa để “xua tà khí” và đêm đến những điều tốt lành. Cũng không ít người cho rằng, gọi lân vào múa cho vui cửa vui nhà và cũng là để “ủng hộ các cháu”, bởi cuối bài biểu diễn bao giờ cũng có động tác lân ngậm tiền thưởng của gia chủ.
Xưa kia, lân chỉ múa trên mặt đất, ngày nay lân còn múa trên các giàn sắt cao với nhiều động tác cực kỳ ngoạn mục. Từ múa lân, nhiều nơi còn tạo dựng thành múa sư tử, múa rồng.Ở nước ta những năm gần đây, Hội thi múa trống lân trong dịp rằm tháng tám được tổ chức rất tưng bừng tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Những con lân được trang trí rất đẹp mắt, nhảy múa theo kịch bản với sự luyện tập hết sức công phu khó nhọc.
Và không chỉ trung thu, bây giờ người ta còn tổ chức múa lân trong các dịp hội hè, tế lễ, khai trương cửa hàng, cửa hiệu… Cũng có nơi tổ chức múa lân mừng năm mới, với các bài múa mang ý nghĩa cầu chúc an khang thịnh vượng như Kim ngân sư chúc thọ, Lân hái cỏ linh chi, Lân ngậm cá chép vàng…
II.NGUỒN GỐC CỦA BÁNH TRUNG THU
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa.
Về mặt ngôn ngữ, người ta lại liên kết cái ý niệm “Tròn” (viên) của Trăng với cảnh quây quần đoàn tụ của gia đình, qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng “Nguyệt lão” chắp mối tơ hồng để cho đôi trai gái.
Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, thuộc về người phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Quốc thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tỉa thành hình hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm “phân qua” tức là chia rẽ phân ly).
Tục lệ này được truyền qua Việt Nam, ngoài Bắc trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài khéo léo bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Ở Việt Nam từ xưa đến nay, bánh Trung Thu gồm hai loại: dẻo và nướng.Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn là chiếc bánh Trung Thu mang sắc thái Việt Nam hơn bánh nướng. Theo khẩu vị Hà Nội, bánh dẻo thường ngọt sắc hơn so với trong Nam.
Đường kính của bánh thường rất lớn, có thể gần bằng chiếc mâm, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn, có màu trắng ngà và là biểu tượng của ý nghĩa “giai đình đoàn viên” và nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng.