Đức Ông là ai – Tại sao mỗi khi đến chùa phải bái lễ Đức Ông trước
Mỗi khi chúng ta đặt chân đến đền chùa, chúng ta thường vào lễ ban Đức Ông trước để hành lễ rồi sau đó mới tới đại điện để lễ Phật.Tại sao lại như vậy và vị này là ai.Vị này có phải là một vị thần thánh nào không mà lại được mọi người tôn sùng như vậy. Tại sao ngay từ bước 1 khi vào chùa đã phải đặt lễ vật thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước tiên, rồi sau đó mới đến chư Phật, Bồ Tát
Để giải đáp những thắc mắc này, thì ngày hôm nay chúng ta hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu trong video dưới đây nhé
I.Đức Ông là ai
Đức Ông hay Đức Chúa Ông là một trong những vị Thần được thờ phụng tại đền, chùa. Hầu hết các ngôi chùa Phật giáo truyền thống đều có một ban riêng thờ Ngài. Theo sách Phật Giáo ghi chép lại, Đức Chúa Ông có tên thật là Anathapindika – một doanh nhân giàu có ở Ấn Độ cổ đại.
Ngài là một trưởng giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc, tức là chu cấp cho người cô độc.Ngài là một tín đồ giàu có, mộ đạo đã bỏ ra một lượng tài sản vô cùng lớn để dát vàng kín mặt vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Vệ Xá, mua lại khu vườn xinh đẹp, cúng dường cho Đức Phật và tăng đoàn tới thuyết pháp. Ngài được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước cho đến nay.
Không chỉ vậy, Cấp Cô Độc còn nổi tiếng là một người có tấm lòng quảng đại, thường xuyên làm nhiều việc tốt, giúp đỡ người nghèo khổ, nhất là cô nhi quả phụ, tích vô số phúc đức.Ngài còn bảo trợ tăng ni, hết lòng với Phật giáo, là tín đồ có lòng trung thành hướng Phật.
Do làm nhiều việc thiện và ủng hộ Phật pháp nên dù không phải là Phật nhưng Cấp Cô Độc vẫn được thờ tại các ngôi chùa, tôn làm Long Thần hộ pháp, là vị thần trông coi và bảo vệ chùa. Lâu dần, người ta quên đi nguồn gốc thực của Đức Ông, chỉ còn nhớ tới việc Ngài là vị Thần canh giữ chùa.
Đức Ông là một vị thần chủ nên có ban thờ riêng, hai bên văn võ hầu cận. Theo trình tự lễ chùa, trước tiên phải vào dâng lễ ban Đức Ông, báo cáo, xin phép rồi mới tới lễ ban Phật.Đức Chúa Ông không chỉ là thần hộ chùa mà còn là thần bảo hộ trẻ em vì lúc sinh thời thường xuyên cung cấp, cưu mang mẹ góa con côi. Trong dân gian, với những đứa trẻ khó nuôi, hay quấy khóc hoặc ốm yếu thì cha mẹ sẽ bán khoán con lên chùa vào cửa Đức Ông.
II.Truyền thuyết và sự tích về Đức Ông
Có lần, Cấp Cô Độc đến thành Vương Xá, vào nhà một ông trưởng giả thân thuộc. Nhìn thấy vị ấy đang nấu nướng, chuẩn bị cho một buổi tiệc rất lớn với những thức ăn rất ngon, ông thắc mắc không biết ngày mai nhà này có đám cưới, hay tổ chức lễ hội gì, hay mời vua quan đến đãi tiệc mà làm cỗ lớn như vậy. Cấp Cô Độc bèn hỏi ông trưởng giả.
Ông ta nói rằng nhà vốn không có đám cưới, không tổ chức lễ hội, cũng không mời vua quan đến đãi tiệc gì cả mà đang chuẩn bị thức ăn để ngày mai dâng cúng đức Phật và chư Tăng. Nghe xong Cấp Cô Độc rất thắc mắc, không hiểu đức Phật là người thế nào mà được chuẩn bị một cỗ bàn thịnh soạn như vậy.
Cấp Cô Độc đem điều đó hỏi vị trưởng giả thì được đáp rằng: “Đức Phật trước đây là thái tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Sau khi giác ngộ thế gian vô thường, thân người giả tạm, thái tử đã từ bỏ vợ đẹp con xinh, cung vàng điện ngọc, vào rừng tầm chân lý.
Sau một thời gian tu học, ngày nay, Ngài đã đắc quả và độ rất nhiều đệ tử”. Nghe xong, Cấp Cô Độc phát khởi lòng tin thanh tịnh, vô cùng kính ngưỡng đức Phật. Xưa nay, chưa bao giờ Cấp Cô Độc nghe kể về một con người lạ kỳ như thế. Trong khi mọi người, ai cũng hướng đến mục đích có nhiều tiền, có địa vị, làm sao cho mình được đầy đủ, sung sướng, ấm no, giàu sang, hạnh phúc, thái tử Tất-đạt-đa lại từ bỏ tất cả để xuất gia tìm đạo.
Cấp Cô Độc hỏi ông trưởng giả: “Bây giờ đức Phật ở đâu?” Ông trưởng giả nói: “Ngài đang ở tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa”. Cấp Cô Độc quyết định đến đảnh lễ đức Phật.
Tối hôm đó, vì tâm mong muốn được gặp đức Phật, Cấp Cô Độc không thể ngủ ngon giấc. Chợp mắt một chút, tưởng trời sáng rồi, ông giật mình tỉnh dậy, nhưng thấy trời vẫn còn tối, nên lại ngủ tiếp. Ba lần như vậy.
Lần thứ ba, thấy trời đã tờ mờ sáng, ông liền đi đến Trúc Lâm. Lúc ông đến nơi, đức Phật đang kinh hành. Nhìn thấy dung mạo uy nghi của người đang kinh hành, Cấp Cô Độc biết chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông đến đảnh lễ rồi thỉnh cầu đức Phật nói pháp. Sau khi nghe pháp từ đức Phật, như người đói được ăn, người khát được uống, Cấp Cô Độc cảm thấy rất sung sướng.
Những lời đức Phật dạy từ xưa đến giờ chưa ai nói cho ông nghe, ngày hôm nay ông mới được nghe, và những lời dạy đó quả thật lợi ích, đưa con người đến chỗ an lạc, hạnh phúc, không những hiện đời mà cả đời sau. Với nhận thức như thế, ông liền phát tâm xin quy y đức Phật và Ngài đã hoan hỷ quy y cho ông.
Sau đó, Cấp Cô Độc nghĩ đến người dân ở nước Xá-vệ của mình, xưa nay chưa biết Phật pháp, nên muốn cung thỉnh đức Phật về Xá-vệ, trước là để an cư ba tháng mùa mưa, sau là để truyền bá Phật pháp cho dân chúng. Cấp Cô Độc đem nguyện vọng đó thưa với đức Phật.
Ngài hỏi: “Hiện tại, trong Tăng đoàn, số lượng chư Tăng rất đông, không biết ở Xá-vệ có nơi nào cho chư Tăng cư trú hay không?” Cấp Cô Độc thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, con sẽ cố gắng xây dựng một tinh xá để thỉnh Ngài và chư Tăng về an cư và hoằng pháp”. Đức Phật rất hoan hỷ.
Sau khi sắp xếp công việc riêng tư, Cấp Cô Độc trở về Xá-vệ. Được sự cho phép của đức Phật, Xá-lợi-phất cũng đi theo ông để chuẩn bị cho việc xây dựng tinh xá.
Về Xá-vệ, Cấp Cô Độc đi tìm rất nhiều nơi, cuối cùng, ông thấy một khu vườn rất đẹp của Thắng Lâm Đồng Tử, tức thái tử Kỳ-đà. Cấp Cô Độc liền đến gặp thái tử Kỳ-đà để hỏi mua. Dù ông hỏi nhiều lần nhưng thái tử vẫn không chịu bán. Cuối cùng, thái tử nói rằng sẽ bán cho Cấp Cô Độc nếu ông có thể đem tiền trải đầy khu vườn.
Thái tử nói như thế là để Cấp Cô Độc không nài nỉ mua nữa, nhưng không ngờ ông lại đồng ý. Như vậy, giữa hai người có sự bất đồng, một người chỉ nói chơi, nhưng một người lại mua thật.
Chuyện này phải đưa ra nhờ các quan xét xử, cuối cùng, phần thắng nghiêng về phía Cấp Cô Độc, bởi thân là thái tử không thể nói hai lời, ra điều kiện như vậy, người ta đã chấp nhận thì bắt buộc phải bán.
Sau đó, Cấp Cô Độc cho người về nhà mang tiền ra trải đầy khu vườn của thái tử Kỳ-đà. Có một điều lưu ý là theo bản Kinh Trung A Hàm nói là tiền, nhưng trong một số kinh và tài liệu khác lại nói là vàng, có nghĩa là Cấp Cô Độc đã lấy vàng trải đầy đất để mua khu vườn của thái tử Kỳ-đà
Trong khi gia nhân đã trải tiền gần hết khu vườn, Cấp Cô Độc đứng trầm ngâm suy nghĩ. Thấy vậy, thái tử Kỳ-đà liền nói: “Nếu ông thấy đắt quá thì thôi, ông thu tiền về đi và trả đất lại cho tôi”.
Cấp Cô Độc nói: “Tôi đang suy nghĩ xem số tiền còn lại sẽ lấy ở kho nào”. Lúc đó thái tử Kỳ-đà thắc mắc, không hiểu đức Phật là người như thế nào mà ông trưởng giả Cấp Cô Độc này dám bỏ ra một số tiền lớn như thế để mua đất, xây dựng tinh xá, cúng dường cho Ngài.
Tự nhiên, thái tử phát khởi lòng tin, lòng tôn kính đối với đức Phật. Thái tử nói: “Thôi như thế này đi, khoảng đất còn lại hãy để cho tôi, tôi sẽ cúng dường đức Phật. Tôi sẽ xây một cái cổng tại đây”.
Bởi vì tinh xá này là do trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường khu đất và Thái tử Kỳ-đà cúng dường vườn cây, nên người thời bấy giờ gọi tên tinh xá này là “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên”, nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của Thái tử Kỳ-đà.
Trưởng giả Tu-đạt vốn thích bố thí, ham làm việc thiện, lại thêm việc xây tinh xá khiến ông phải tốn kém số tiền quá nhiều, khiến cho việc làm ăn nhanh chóng suy sụp, dần dần khánh kiệt cả gia sản, không còn trong tay bất cứ tài sản giá trị nào, cả gia đình thậm chí đã đến mức sắp phải chết đói.
Ngay lúc đó, ông nhặt được trong đống rác một khúc gỗ quý. Đây là một loại gỗ chiên-đàn cực kỳ hiếm có và hết sức quý giá, nhưng vì nó chưa được rửa sạch nên khi ông đem đi bán chẳng ai muốn mua cả. Cuối cùng có một nhà buôn thấy ông tội nghiệp nên miễn cưỡng đổi lấy với 4 thưng gạo trắng.
Bấy giờ, phu nhân trưởng giả Tu-đạt liền đong một thưng gạo đem đi nấu cơm. Cơm vừa chín thì có tôn giả Xá-lợi-phất đến đứng ngay trước cửa, ôm bình bát khất thực. Phu nhân vô cùng hoan hỉ, liền đem thưng gạo đã nấu thành cơm ấy mà cúng dường hết cho ngài Xá-lợi-phất.
Sau đó bà đong một thưng gạo khác đem đi nấu. Cơm vừa chín thì có ngài Mục-kiền-liên đến khất thực. Bà cũng đem cơm mới nấu ra cúng dường hết cho ngài Mục-kiền-liên. Lần thứ ba nấu cơm, bà lại cúng dường cho ngài Ca-diếp. Còn thưng gạo cuối cùng, cơm vừa chín tới thì thấy đức Phật từ xa đi đến.
Bà vui mừng thầm nghĩ: “Cũng may là mình vẫn còn một thưng gạo cuối cùng mới nấu chín này để cúng dường đức Thế Tôn!”. Nghĩ thế rồi, có bao nhiêu cơm trong nồi bà dâng cúng trọn lên Đức Phật.
Đức Phật thấy vợ chồng trưởng giả Tu-đạt có lòng lành và tín tâm như thế nên từ kim khẩu ngài liền chúc nguyện rằng:
– Tội diệt phúc sinh, từ nay trở đi phúc đức vô tận, không còn khốn khó.
Ngay khi đức Phật vừa đi khỏi thì nhà buôn vừa mua khúc gỗ chiên-đàn khi nãy tìm đến, vui vẻ nói với trưởng giả Tu-đạt:
– Ông thật may mắn, khúc gỗ ấy sau khi tôi rửa sạch mang ra chợ bán đã có người đến trả đến hơn năm nghìn đồng tiền vàng. Tôi nghĩ đây là phước báu của ông nên không dám một mình hưởng trọn, xin cùng với ông chia đôi số tiền này vậy.
Thế là trưởng giả Tu-đạt nhận được một số tiền lớn, có thể mua lại nhà cửa và bắt đầu trở lại công việc làm ăn buôn bán. Từ đó mọi việc đều thuận lợi đến nỗi không bao lâu sau thì vàng bạc, tiền tài, châu báu trong nhà, cơm gạo, lụa là vải vóc trong kho đã chất đầy như núi, so với lúc trước thì bây giờ ông còn giàu có hơn gấp nhiều lần.
Trong thâm tâm, trưởng giả Tu-đạt rõ biết đây là do nhân lành bố thí và cúng dường của mình mới có được, nên ông cho lập đàn thật lớn để cúng dường đức Phật và chư tăng, thỉnh đức
Thế Tôn thuyết pháp cho mọi người được nhiều lợi lạc, và từ đó càng nỗ lực làm việc từ thiện, cứu giúp người nghèo khó.Quả thật là, đem của cải mình hiện có ra bố thí cho người khác, thấy thì có vẻ như mất đi, nhưng thật ra chẳng khác nào mang hạt giống tốt vùi trong lòng đất ẩm, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày hái được quả ngọt.
Cấp Cô Độc là một vị Hộ pháp thuần vĩ, là bậc Thánh Sơ quả Tu Ðà Hườn (Sotàpanno), là một thiện hữu trí thức mô phạm của toàn thể Phật tử tại gia đương thời.Ðối với đức Phật, ông chẳng những tuyệt đối y giáo tín thọ, mà còn thương kính quan hoài. Ông thường im lặng lắng nghe thay vì bộc bạch kính thưa, vì trong thâm tâm ông không muốn bất cứ ai làm phiền đức Phật, kể cả bản thân ông. Ðức Phật biết rõ tâm trạng ông, nên thỉnh thoảng Ngài đặc ban pháp thoại.
Trong mười tám bài pháp liên quan ông Cấp Cô Ðộc thì có đến mười bốn bài do đức Phật tự thuyết. Ông thương kính đức Phật chí tình thì đức Phật cũng từ ban cho ông cam lộ thủy. Thật đúng là bậc Ðạo Sư luôn sống với gánh nặng viễn ly, đệ tử cũng là người biết tùy nghi tu tập.
Ðối với chánh pháp, ông là một nam cư sĩ giảng sư vừa có khả năng xương minh vừa có khả năng đối thoại. Chính đức Phật đã khuyến tán ông trước Tăng chúng: “Này các Tỳ kheo! Ngay như một số Tỳ kheo đã sống trong Giáo hội lâu năm, lắm khi chưa đủ thâm uyên giáo lý để có thể trả lời với các đạo sĩ Bà la môn chính xác như Sú Ðát Ta!”.
Ông tuyệt đối tôn kính chánh pháp như tôn kính đức Phật. Ông cho thiết lập nhiều giảng đường trong thành Sa Vắt Thi (Sàvatthì) để quần chúng được nghe và học hỏi giáo lý. Ông biết, nếu chỉ giúp đỡ vật chất đương thuần, thiếu yếu tố tâm linh thì cuộc sống gia đình, xã hội cũng sẽ bế tắc. Bí quyết duy nhất giúp khai thông lộ trình đến chung cuộc hạnh phúc là chánh pháp.
Vì chánh pháp là tiêu điểm chủ yếu, là chất liệu sinh tử có tính năng kết hợp giải quyết tối hậu, hai nhiệm vụ Ðạo – Ðời vốn nhiêu khê phức tạp.Trong phạm vi gia đình, ông hướng dẫn và an trú họ vào niềm tin chánh pháp. Duy nhất, một đứa cháu trai bị biệt nghiệp nặng nề, mặc dù ông nhiều lần giúp đỡ, cảm hóa, nhưng bất thành, nên đã chết trên đường lang bạt, vô thừa nhận.
Ðối với hàng ngàn gia nhân giúp việc, ông xem họ như bà con cật ruột và hết mình giúp đỡ, không hề phân biệt. Ngay như trong những ngày trai tịnh, ông cũng hướng dẫn họ và gia đình họ trì thọ trai giới.
Ðối với thân hữu, đại đa số đều nhờ ông mà qui ngưỡng chánh pháp. Ngay như Thái tử Kỳ Ðà cũng nhờ đạo tâm thuần phát và niềm tin chánh kiến của ông ảnh hưởng, đã sống cuộc đời hướng thiện.
Tóm lại, về mọi địa hạt sống, từ bản thân, gia đình, dòng họ, gia nhân, thân hữu đến giới bình dân lao động đều được thừa hưởng công đức lợi tha của ông qua cụ thể Tứ nhiếp pháp, nhất là Bố thí nhiếp.