Ở hiền gặp lành ở ác gặp ác – Vì sao người hiền lành vẫn phải chịu đau khổ
Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Một câu nói rất quen thuộc với người Á đông của chúng ta. Thế nhưng trên đời chúng ta lại thấy rất nhiều những điều ngược lại.Thuận đời thì vẫn là thế, nhưng ở đời cũng không ít chuyện nghịch lý, chéo queo. Trong cuộc sống đây đó, ta vẫn thấy không ít những người ở chẳng hiền, ở dữ mà vẫn gặp lành theo một nghĩa nào đó.
Ở đời người hiền nhiều mà kẻ dữ cũng không ít. Dường như ở xã hội nào, ở bất kể nơi đâu, bên cạnh những người ở hiền vẫn thấp thoáng bóng dáng những kẻ ở dữ. Đâu đó trong nhà này, xóm kia, từ trẻ đến già, từ nhà ra ngõ, ta đều bắt gặp những con người như thế.
Vậy thì tại sao lại có sự nghịch lý như vậy, những người hiền lành tử tế đáng nhẽ ra họ phải được hưởng một cuộc sống yên bình, an lạc còn những kẻ gian ác phải chịu những sự đau khổ dằn vặt, nhưng sao mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại
Để tìm hiểu sự nghịch lý này, ngày hôm nay hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu trong video dưới đây nhé
I.Ở hiền gặp lành nghĩa là gì?
Ở hiền là sống lương thiện, không vụ lợi, không toan tính việc làm hại đến ai. Người ở hiền xem lợi ích của người khác như lợi ích của mình thế nên luôn đối xử tử tế với mọi người. Người hiền lành xuất phát từ tâm trong sạch, từ trí tuệ khôn ngoan, biết mình đang làm những điều tốt giúp đời mà chẳng nghĩ gì đến việc được báo đáp.
Gặp lành là kết quả của việc chúng ta sống lương thiện, sau này ta sẽ gặp được nhiều điều may mắn, tốt đẹp trong đời. Điều này không phải nói đến việc người mà ta giúp đỡ sẽ trả ơn cho ta, mà là khi ta giúp người, thì cũng sẽ có người giúp ta trong những trường hợp khác. Việc lành là kết quả mà con người sau khi gieo nhân tốt sẽ gặt được trái ngọt.
“Ở hiền gặp lành” là một câu nói nhắc nhở chúng ta hãy nhớ sống lương thiện
Cuộc sống này được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa của đất trời, vì vậy chúng ta không chỉ nhớ đối tốt với những người xung quanh mà kể cả vạn vật cũng đáng được đối xử tử tế, chân thành. “Ở hiền gặp lành” là lời nhắc nhở, là tiếng chuông cảnh tỉnh con người quay về với bản chất lương thiện, quay về với chính mình.
“Ở hiền gặp lành” như kim chỉ nam cho cuộc đời mỗi người, nhất là trong thời đại ngày nay. Vì đời sống luôn tồn tại những mặt tốt và xấu, thiện và ác, nên sự tỉnh thức giúp ta nhận ra được đâu là cách đối nhân xử thế cho hợp tình hợp lý.
Thông minh là vốn quý trời cho, nhưng lương thiện lại là sự lựa chọn. Hãy chọn sống hiền hòa với vạn vật để mỗi giây phút trong cuộc đời đều thấy tâm mình an yên.
II.Tại sao người ta thường nói “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”?
Chuyện kể rằng, một Phật tử hỏi vị thiền sư có đạo hạnh rất cao rằng: “Vì sao người tốt và hiền lành như con vẫn thường đau khổ, mà những người ác ngoài kia lại có thể sống tốt đến vậy? Người tốt sao vẫn khổ có phải ông trời bất công?”
Vị thiền sư nhìn Phật tử bằng đôi mắt đầy tư bi và trả lời:
“Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, có nghĩa là trong tâm người ấy còn ác tâm. Nếu trong lòng một người không có ác tâm, vậy người đó sẽ không thấy thống khổ.
Dựa theo đạo lý này, nếu con cảm thấy mình vẫn khổ, cũng đồng nghĩa ác tâm vẫn tồn tại trong lòng con, con chưa phải là người lương thiện thực sự, mà những người con cho là ác cũng chưa chắc đã thật là kẻ ác. Bởi một người có thể sống vui vẻ, thì họ không phải là người ác thực sự!”
Vị Phật tử ấy không phục mà đáp lại: “Sao con có thể là người ác? Con vẫn luôn rất thiện lương mà!”
Thiền sư thong thả trả lời: “Lòng không ác, ắt không khổ. Nếu lòng con còn khổ, thì tức là con còn cái ác trong lòng. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ cho con biết ác tâm nào đang tồn tại trong con”.
Phật tử kể lại cho thầy nghe một loạt nỗi khổ của mình:
“Con khổ nhiều lắm! Có lúc con thấy lương mình quá thấp, nhà không đủ rộng. Lòng con vì vậy mà không thoải mái, chỉ hy vọng có thể nhanh chóng thay đổi những điều ấy.
Có những người chẳng học hành gì vẫn giàu có, con thấy không phục. Người trí thức có học như con đi làm lương lại ba cọc ba đồng, thực sự là quá bất công!
Đôi lúc người nhà chẳng chịu nghe lời khuyên của con, con cũng thấy rất khó chịu…”.
Thiền sư nghe xong, gật đầu mỉm cười, nhẹ nhàng giảng giải:
“Thu nhập hiện nay của con đủ để con nuôi sống bản thân và gia đình. Con cũng có nhà ở, không phải lưu lạc nơi đầu đường, chỉ là diện tích có hơi nhỏ một chút. Con hoàn toàn không phải vì những điều ấy mà đau khổ.
Thế nhưng lòng con tham tiền tài, thích nhà rộng, vậy nên mới cảm thấy khổ đau. Lòng tham cũng là cái ác. Nếu con có thể loại bỏ lòng tham, vậy con sẽ không còn thấy khổ vì những điều đó nữa”.
Nói đến đây, thiền sư nhấp một ngụm trà, từ tốn tiếp tục: “Trong xã hội, có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại trở nên giàu có. Con cảm thấy không phục, đó là lòng đố kỵ, đây cũng là một loại ác tâm.
Con cho rằng bản thân mình có văn hóa thì nên được hưởng thu nhập cao, đây chính là lòng kiêu căng. Kiêu căng vốn cũng là một loại ác tâm.
Bởi vì có văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, mà do kiếp trước chăm cứu tế nên kiếp này mới sang giàu”.
Thấy người Phật tử có vẻ trầm tư, vị thiền sư tiếp tục đi sâu vào lý giải: “Người nhà không nghe theo lời khuyên nhủ của con, con thấy không phục, đó là thiếu lòng bao dung.
Tuy rằng đó là người thân của con, nhưng họ cũng mang tư tưởng và quan điểm của riêng mình. Vì sao con lại muốn ép họ phải tuân theo quan điểm và tư tưởng của con? Không bao dung sẽ sinh ra hẹp hòi, lòng hẹp hòi cũng tính là ác tâm”.
“Tham lam, đố kỵ, kiêu căng, hẹp hòi đều là ác tâm. Lòng đố kị sinh đau khổ, tâm bình an hưởng lạc cả đời. Bởi lòng con tồn tại những ác tâm như vậy, nên sự đau khổ mới có chỗ đứng. Nếu con có thể loại bỏ những ác tâm ấy thì ắt mọi đau khổ kia cũng tan thành mây khói”.
Hãy cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn với thu nhập cùng nhà ở của mình. Con nên biết rằng, con căn bản sẽ không chết đói, cũng chẳng chết cóng, còn những người kia tuy rằng giàu có, nhưng cũng chỉ là tránh được chết đói và chết cóng mà thôi.
Con nên biết rằng, con người có vui vẻ hay không vốn không quyết định bởi tiền tài hay vật chất, mà tùy thuộc vào thái độ sống của họ.
Nắm giữ từng phút giây của cuộc đời, thay thế cái tham lam vốn có bằng thái độ lạc quan, điềm tĩnh, bằng lòng cần cù, con sẽ dần cảm thấy vui vẻ”.
Phật tử không khỏi “vò đầu bứt tai” hỏi rằng: “Thầy ơi, vậy con nên làm thế nào?”
Thiền sư đáp: “Trong xã hội, con nên vui cho những người học vấn không cao mà vẫn giàu có, con cũng nên chúc cho họ càng sung túc hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng.
Khi nhìn thấy người khác đạt được điều gì, hãy vui như thể chính con đạt được điều ấy vậy.Khi chứng kiến người khác mất đi thứ gì, hãy buồn như thể chính con cũng mất đi thứ đó.
Người như vậy mới là người lương thiện!
Còn con hiện tại, bất bình khi thấy người khác hơn mình, đây chính là lòng đố kỵ, là ác tâm, là thứ cần kiên quyết dứt bỏ thì mới có thể vui vẻ thay vì đố kỵ.
Con cũng cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho mình là giỏi, đây chính là kiêu căng. Người kiêu căng thì không thấy được thiếu sót của bản thân, nên mới không thể nhìn thấy đủ loại ác tâm trong lòng mình. Tính xấu ấy sẽ cản trở sự tiến bộ của bản thân, dẫn đến sự tụt hậu và tự ti.
Nên nhớ rằng, chỉ có người nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn từ tận sâu đáy lòng, luôn đặt mình ở vị thế khiêm nhường thì mới có được sự sung túc và an vui”.
Giảng giải hết những đạo lý ấy, thiền sư nhìn Phật tử với ánh mắt đầy nhân từ.
Phật tử vô cùng xúc động, im lặng hồi lâu, sau đó cúi đầu cảm tạ thầy và nói: “Nếu không có thầy chỉ bảo, con sẽ vĩnh viễn không nhìn thấu cái ác trong lòng mình…”
III.Nguyên nhân người hiền lành vẫn phải chịu khổ đau
Hiền lành có nhiều loại hiền lành, chứ đừng thấy ai hiền là cũng tốt. Có người hiền mà thụ động thờ ơ không hại ai mà cũng chẳng bao giờ giúp ai thì người đó nghèo là đúng.
Ví dụ như người ta chửi ta vào mặt cũng chả thèm trả lời, công nhận người đó đúng là hiền. Nhưng mà thấy người nằm bên nhà nằm giãy đành đạch sắp chết mình cũng đứng nhìn không giúp, thì người đó đúng là hiền như vậy người đó khốn đốn là phải.
Cho nên hiền nhưng phải tốt phải giúp người, cho nên nói tại sao người đó hiền mà khổ. Bởi vì hiền kiểu đó mà thấy người ta khổ không giúp mà thờ ơ thụ động quá thì khổ là phải.
Đó là trường hợp hiền mà thụ động thì sẽ nghèo. Còn người hiền lành mà gặp người ta hoạn nạn mà làm ngơ thì quả báo còn khủng khiếp hơn nữa. Ví dụ mình đi qua khúc sông, thì người này rất là hiền lành ai nói gì cũng cười chả bao giờ giận ai, bỗng có một thằng bé rơi xuống sông.
Nó kêu cứu mình cứ đứng đó nhìn, nhìn xung quanh không thấy ai cứu mà mình cũng không làm gì hết cứ để nó ú ở kêu la rồi nó cũng chết luôn. Thì người đó hiền nhưng kiếp sau có mắt mà như mù có miệng mà câm không nói được.
Bởi vì thấy mà không làm gì giúp, có miệng mà không biết kêu để người khác đến cứu. Gặp người ta trong cơn nguy hiểm khốn khổ mà không giúp gì hết, thì hiền kiểu đó kiếp sau khốn đốn vô cùng, nên đừng tưởng hiền là tốt nhé. Rồi có người hiền, kiếp trước người đó có tu nhưng mà kiếp trước nữa người đó có tạo Nghiệp.
Ví dụ có một tay đó trước đây làm ăn cướp, cái đoạn đường đầu đời còn khỏe mạnh gia nhập băng cướp chuyên môn cậy cửa dí dao rồi lấy đồ của người ta. Cho đến năm ba mươi lăm tuổi giác ngộ hiểu đạo sám hối quăng gươm vào chùa tu hành.
Vào chùa rồi là tự đày đọa mình làm những công việc nặng nhất, là đi bổ củi, nấu cơm, bưng từng chậu đất lại đắp những ổ gà trên đường. Thì qua kiếp sau trở lại người đó là người hiền lành vì nhờ đoạn đời từ ba mươi lăm tuổi tới sáu mươi tuổi biết tu trong chùa nên trở lại mang chuẩn tự đó làm người hiền lành.
Nhưng mà gặp người ta thì người ta ăn hiếp người ta đánh người ta đập để trả lại quả báo đoạn đầu đời đã đi ăn cướp. Đây là trường hợp hiền do ở giai đoạn sau còn trước đó là người hung dữ, nên dù hiền cũng phải trả quả báo cái đã, rồi sau đó cái Phúc nó mới đến nên nói tại sao người đó hiền mà khổ.
Như thế, người cho mình lương thiện nhưng lại thấy mình còn khổ quá thì cái ác vẫn còn. Người này chưa phải người lương thiện thật sự nhưng cũng chưa là kẻ ác. Nếu một người có thể sống vui vẻ thì họ cũng chẳng hoàn toàn là người ác.
Cái ác biểu hiện bởi rất nhiều hình thái, đôi khi ta không nhận ra hoặc cố tình làm ngơ đi cho đó là bình thường. Kỳ thực thì lòng tham, sự đố kỵ, sự kiêu căng, lòng thiếu bao dung, lòng dạ hẹp hòi… cũng đều là biểu hiện của ác tâm.
Vậy thì dù bản thân một người chăm làm việc thiện, nghĩ rằng mình đã đủ hiền lành lương thiện nhưng lại vẫn có đủ những biểu hiện trên với người khác thì cũng chưa thể coi là một người hiền lành. Đức Phật dạy, “lòng không ác, ắt sẽ không khổ” quả nhiên không thừa là vì thế.
III.Kết luận
Luật nhân quả là một trong những quy luật vận hành của vũ trụ. Tin sâu vào luật nhân quả thì mỗi hành động của chúng ta đều sẽ hướng về con đường của sự lương thiện. Người gieo hạt giống tốt, quả ngọt tuy chưa tới nhưng trong tâm hồn họ luôn thấy an bình. Người gieo hạt giống xấu, sau này ắt sẽ nhận quả đắng cay. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường nói câu “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
Lòng người hướng thiện, thân tâm sẽ an bình
Chúng ta lựa chọn sống tử tế, lương thiện thực ra không phải vì người khác mà là vì chính ta. Khi hành thiện, tâm ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng khi làm việc ác, tâm ta sẽ bất an, đầy những nỗi lo lắng, đau khổ dày vò. “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” như một lời khẳng định chắc chắn rằng ngày mai tốt hay xấu chính là do những gì chúng ta tạo ra từ ngày hôm nay.
Thật ra cũng có những ý kiến cho rằng trong thời đại ngày nay nếu chỉ sống hiền lương thì chưa chắc nhận được điều lành. Bởi vì chúng ta vẫn thấy những kẻ xấu, kẻ ác nhởn nhơ hưởng thụ kết quả mà họ nhận được sau những mưu mô, toan tính. Và nhiều người lương thiện hay giúp người khác nhưng cuộc sống của họ vẫn còn nhiều lo toan, khó khăn, vất vả.
Những người chọn sống hiền lành bởi họ nhận thức được rằng gieo nhân nào gặt quả đó. Cả một đời sống mà ta tu tập trong thiện lành là để chuyển hóa những quả báo đã gieo ở thời điểm trước, cũng là để không phải “gieo thêm một chút gió” nào. Người xưa cũng đã khuyên chúng ta câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
Sự tồn tại hữu hình của con người không chỉ vỏn vẹn trong kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Vậy nên hạt giống tốt được gieo ở kiếp này có thể thành quả ngọt sớm hoặc muộn. Điều giúp tâm hồn con người an bình trước hết chính là thiện lương mà không đòi hỏi sự báo đáp. Phúc báo luôn đợi ở phía sau và tương lai của ta được tạo nên từ những việc ta làm hôm nay. Hãy luôn nhớ “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.
“Ở hiền gặp lành” nhằm nhắc nhở mỗi người về quy luật nhân quả của đất trời. Cuộc sống mang tính nhị nguyên, luôn tồn tại thật giả, tốt xấu, thiện ác lẫn lộn. Con người cứ gieo gió ắt sẽ gặt bão, gieo cái ác ắt sẽ chẳng thể sống trong yên bình.
Hành thiện thì tâm an, mà tâm an thì vạn sự an. Nếu chúng ta sớm thức nhận ra được rằng trên đời này bất kì chuyện gì xảy đến với ta đều là do những gì ta từng làm lúc trước mà thành, thì sẽ không có cái gọi là bất công. Vì thế, hãy thực hành lòng biết ơn và làm những việc thiện lành từ ngay bây giờ.
Mỗi một ngày trôi qua, chúng ta gieo vào tâm mình biết bao nhiêu là hạt giống. Có hạt giống của tình thương, lại có hạt giống của lòng ghen hờn; có hạt giống tốt, lại có hạt giống xấu. Bởi vì đôi khi ta chưa chú ý đến việc gieo hạt này, nên những kết quả sẽ đến với ta một cách bất ngờ. Từ nay, hãy nhớ gieo hạt tốt và luôn tự nhắc nhở mình sống đúng như câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” để cảm thấy tâm mình được an bình bạn nhé!