Quy y tam bảo là gì ? Vì sao chúng ta nên quy y tam bảo
Chúng ta biết rằng đa phần các tín đồ theo Phật giáo thường là không có quy y Tam bảo. Bởi vì người đã quy y Tam Bảo thời thường lễ Phật đốt hương, nhưng người biết lễ Phật đốt hương thì chưa chắc đã quy y Tam Bảo.
Tuy nhiên người chưa từng quy y Tam Bảo họ vẫn có thể xưng mình là tín đồ của Phật giáo mà chúng ta không thể phủ nhận sự tín ngưỡng của họ.Hãy cùng Kênh Tử Vi đi tìm hiểu thế nào quy y tam bảo trong bài viết dưới đây nhé.
Quy y tam bảo là gì
Có người chủ trương tin Phật chỉ cần có tâm thành là đủ, hà cứ gì mà phải quy y ? Quan niệm này mới nghe dường như có lý, thực chất thì không hợp với thực tế.
Ví như học sinh khi muốn đi học đầu tiên phải làm thủ tục nhập học, nếu không như vậy thì không có hồ sơ chính thức ở trường nên dù cho có thể dự thính nhưng sẽ không được cấp văn bằng và học bạ.
Một người học trò đích thực thì phải học theo các chương trình mà nhà trường đặt ra từ thấp tới cao. Ngòai việc làm thủ tục nhập học còn tùy theo trình độ ở mỗi cấp học mà học sinh còn phải thi tuyển mới được vào trường để học, nếu như không học tiểu học mà đòi lấy văn bằng đại học cho đến học vị Tiến sĩ là điều không thể có được, do vậy người tin theo Phật cũng phải bắt đầu từ việc quy y Tam bảo.
Mặc dầu quy y Tam Bảo chỉ là bước khởi đầu trong quá trình học Phật nhưng nếu không có bước khởi đầu thì làm sao có các bước tiếp theo được.
Đệ tử Phật lấy việc thọ giới mà phân cấp bậc, quy y Tam Bảo là việc căn bản nhất tiếp theo mới đến thọ Ngũ giới, Tám giới, Mười giới, Tỳ kheo giới, Bồ tát giới. Nói tóm lại tất cả mọi giới pháp đều lấy việc quy y Tam Bảo làm nền tảng căn bản.
Quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo tức là bước đầu tiên của việc vào đạo tin Phật. Phật giáo không bỏ bất kỳ chúng sanh nào, do đó đối với việc quy y Tam Bảo cũng không có sự hạn lượng nhất định.
Trong lục đạo chúng sinh trừ Địa ngục là nơi thọ khổ vô cùng vô tận không thể quy y Tam Bảo được. Các nơi khác bất kể là Người, Trời, Thần, Quỷ vật và Súc sinh chỉ cần phát tâm quy y, Phật giáo đều tiếp nhận cả. Đây cũng giống như đã là học sinh đủ tuổi đi học thì bất luận là giàu nghèo, sang hèn, ngu đần hoặc thông minh đều được nhập học vậy.
Lại có người nghĩ rằng mình có thể đọc sách xem kinh thời tự mình cũng có thể trực tiếp tìm thấy con đường thành Phật trong kinh sách, việc gì mà phải quy y, điều này nói về lý hình như có thể chấp nhận được nhưng đứng trên mặt nguyên tắc của sự tướng thì lại là một sự sai lầm lớn, bởi vì kinh Phật là do Phật nói hay do đệ tử của Phật nói rồi được các vị đệ tử xuất gia của Phật kiết tập thành kinh điển truyền lưu hậu thế.
Nay nếu nói rằng chỉ cần xem kinh mà không cần biết đến Phật là người nói ra kinh ấy, cho đến không cần biết đến những vị Tăng là người đã có công truyền bá những kinh điển ấy, cho dù có quy y với Pháp đi nữa thì cũng là hành vi vong ân không thể chấp nhận được.
Phật giáo mặc dầu lấy Pháp bảo làm nền tảng, phương pháp tu hành cũng từ Pháp bảo mà lưu xuất nhưng Pháp Bảo cũng từ Phật Bảo và Tăng bảo mà ra, do vậy Tam Bảo là ba yếu tố không thể tách rời nhau được.
Lại nói về quy chế và nghi thức thời tin Phật mà không quy y Tam Bảo cũng giống như có một người ngoại quốc yêu mến nền văn hóa và cảnh vật của Việt Nam rồi đến Việt Nam cư trú mà không chịu thay đổi quốc tịch vốn có của mình, mà lại tự xưng rằng tôi là người Việt Nam, thời họ có thể được người Việt Nam hoan nghênh nhưng sự thật thì họ vẫn chưa thể được công nhận là người Việt Nam thật sự.
Cũng như vậy người không quy y Tam Bảo mà tự nhận mình là người tín đồ Phật giáo, mặc dầu họ vẫn có thể nhận được một vài lợi ích nào đó nhưng nói cho cùng thì về nhân cách họ vẫn chưa được chư Phật ấn chứng là đệ tử của Phật.
Đây không phải là sự chấp trước mà là thủ tục cần phải thực hiện khi vào cửa Phật, cho nên trong kinh Phật dạy người đời tuy là làm thiện nhưng vẫn không diệt trừ được ác nghiệp của đời trước, chỉ có quy y với Tam Bảo mới có thể tiêu trừ được ác nghiệp của tiền kiếp.
Quy y Tam Bảo vừa là nghi thức vừa là nội tâm khi quy y Tam Bảo miệng phải đọc, thân phải lễ và tâm còn phải nghĩ nữa, chủ yếu vẫn là từ nội tâm lãnh thọ giới pháp quy y gọi là giới thể, giới thể cần phải do người đã quy y Tam Bảo tức là bậc Thầy xuất gia truyền trao. Đây chính là sự truyền thừa của hệ thống pháp phái. Là người phàm phu không thể nào không Thầy mà tự chứng.
Do vậy quy y Tam Bảo không thể chỉ đối trước tượng Phật và Bồ Tát mà tự thệ nguyện thọ trì được, do vậy mà biết được tính trang nghiêm và cần thiết khi đối trước vị Thầy cầu thọ pháp Tam Quy.
Cho nên không thọ Tam Quy y mà muốn trở thành một tín đồ Phật giáo chân chánh là điều không thể có được. Nếu chỉ tin Phật và Pháp mà không kính lễ chư Tăng thời đã hủy họai tính căn bản của Phật Pháp bởi vì Tam Bảo không thể tách rời. Do vậy người đã hủy họai Phật Pháp thời không thể có được thiện quả, cho nên khi đã tín phụng Tam Bảothời phải quy y Tam Bảo.
Lại có một số người tuy là chưa tin Phật nhưng có cảm tình đối với Phật giáo thời họ không muốn quy y Tam Bảo ngay, vì sợ rằng sau khi quy y họ sẽ bị nhiều ràng buộc, cho nên họ thường có thái độ đứng ngoài để xem xét, họ có quan niệm quy y Tam Bảo cũng như việc Nam Nữ kết hôn vậy, khi chưa hiểu rõ đối phương mà vội vàng kết hôn thời sẽ khổ cả đời.
Thật ra hai việc này hòan toàn khác nhau cũng giống như chúng ta muốn học một nghề nào đó mà lại không muốn đầu sư thời làm sao có thể tinh thông nghề nghiệp được, sự lợi ích của việc đầu sư chính là việc tiếp nhận những kinh nghiệm và sở trường của vị Thầy được tích lũy qua nhiều thế hệ.
Do vậy khi ta đầu sư cũng là được kế thừa những kinh nghiệm quý báu, khi đã học thành cũng không thể lập tức rời Thầy, việc quy y Tam Bảo cũng vậy, muốn hiểu rõ Phật Pháp thời bắt đầu từ việc quy y Tam Bảo, nếu chỉ đứng ngòai để quan sát mà mong được hiểu rõ thời chỉ là vọng tưởng.
Cửa Phật không phải là lao ngục mà là con đường giải thoát rộng lớn thênh thang, Phật giáo mong mỏi mọi người đều từ việc quy y Tam Bảo mà tiến vào con đường học đạo giải thóat, nhưng nếu có người vì căn cơ thấp kém không muốn quy y hay theo đạo khác, hoặc không có niềm tin đối với bất kỳ tôn giáo nào, với những người này Phật giáo vẫn từ bi mở rộng cửa Thiền môn chờ đón họ như những người lãng tử trở về cố hương.
Do vậy chúng ta cần phải khuyên bảo mọi người trên thế gian quay về quy y với Tam Bảo bất kể là người đã tin theo Phật hay chuẩn bị để tin theo Phật, hoặc giả là người đang đứng ngoài cửa Phật để quan sát ngó nhìn.
Thậm chí là người theo tôn giáo khác, chúng ta vẫn sẵn lòng mời họ dẹp bỏ đi những thành kiến cố hữu, hay tôn giáo mà họ đang theo, thử đến quy y với Tam Bảo một lần họ sẽ thấy được lợi ích to lớn và sự tự do thật sự, khi đã quy y Tam Bảo rồi trừ khi bị ma chướng che lấp chân tâm, nếu không thời sẽ chẳng bao giờ thối thất tâm mình đối với Tam Bảo.
2.Thế nào là Quy Y Tam Bảo
Trên phương diện chữ nghĩa, hai chữ quy y có nghĩa là : quay về hay hồi chuyển. Y là nương tựa hoặc dựa vào, những hành vi hồi chuyển nương tựa hoặc quay đầu dựa dẩm tin tưởng, đều có thể gọi là quy y. Cho nên quy y không phải là danh từ chuyên dùng của Phật giáo.
Như trẻ thơ quay đầu vào lòng cha mẹ dựa dẩm vào Cha mẹ, tin tưởng Cha mẹ mới có được cảm giác an toàn, cảm giảc an toàn này được phát sinh từ sức mạnh và năng lựccủa sự quy y, do vậy bất kỳ một hành vi nào làm phát sinh cảm giác an tòan từ sự quay đầu dựa dẩm và tin tưởng đều gọi là quy y.
Do đó con cái tin tưởng Cha mẹ, học sinh tin tưởng vào Thầy, các nhà doanh nhân tin tưởng vào những kế hoạch và dự toán buôn bán, người cấp dưới tin tưởng vào cấp trên, các nhà Túc mệnh luận tin tưởng vào mạng vận, người phụ nữ góa bụa tin tưởng vào vũ lực, những chính khách tin tưởng vào mưu lược, người tham lam tin tưởng vào tài sản.v.v..
Tất cả ít nhiều đều mang âm hưởng của sự quy y, hay nói cách khác tất cả mọi sự lý được phát sinh từ năng lực của sự tín ngưỡng đều được liệt vào quy y. Do vậy tín ngưỡng Phật giáo cũng được gọi là quy y hay tín ngưỡng vào các tôn giáo khác cho đếnviệc sùng bái Thần thánh tà ma vẫn có thể gọi là quy y, nhưng chân nghĩa hay ý nghĩa chân thật của sự quy y, thời là lĩnh vực khác.
Bất kỳ sự dựa dẫm tin tưởng hoặc tín ngưỡng vào những điều không cứu cánh, không chắc thật thì không thể gọi là sự quy y chân chánh được, cũng ví như khi mưa to bảo lớn người ta liền trèo lên cây, trèo lên nóc nhà, chạy lên gò cao nhưng khi nước dâng cao, sóng gió nổi lên thì cây cũng có thể đổ, nhà có thể sập, gò cao có thể bị nhấn chìm.
Do đó trong trường hợp cấp bách như vậy nếu như gần đó có một ngọn núi cao, thì có phải rằng mọi người đều chạy lên ngọn núi ấy không ? chỉ trừ những người ngu si vô trí mới bỏ qua cơ hội tốt đẹp ấy. Do vậy núi cao có năng lực và hiệu quả an toàn hơn hẳn cây cối nhà cửa và gò đất.
Cũng vậy người có thể nhận rõ được thế sự vô thường, hiểu rõ được vạn pháp đều do nhân duyên đối đãi tương hợp mà thành, thời chắc chắn có đủ năng lực để hiểu rõ Cha mẹ, Thầy giáo, kế hoạch dự toán, Cấp trên, Mạng vận, cho đến Vũ khí, Mưu lược, Tài sản..v.v.
Đều có thể phát sinh hiệu quả của sự an toàn, nhưng không chắc chắn và vĩnh cửu, bởi vì cha mẹ rồi cũng chết, tri thức của Thầy giáo rồi sẽ bị lạc hậu, dự toán có khi không chuẩn xác. Quan trên có khi bị mất chức hoặc bị điều đi nơi khác, vận mệnh không thể tuyệt đối tin tưởng, vũ lực , mưu lược, tài sản đều như huyễn, như mây, như khói.
Hôm nay có thể là Vua ở phương Nam biết đâu ngày mai sẽ là người tù trong ngục tối, hôm nay là triệu phú giàu sang ai biết được ngày mai đang là chàng cùng tử xin ăn khắp nẻo đường xó chợ.
Thậm chí tin tưởng tín ngưỡng vào các Tôn giáo khác có thể được sanh Thiên nhưng chưa chắc là do tín ngưỡng ấy mà quyết định sanh thiên, ví như người tin theo đạo Thiên chúa hay Tin lành thì thánh kinh nói rằng: sẽ được cứu nhưng chưa chắc là sẽ được cứu hết.
Thượng đế không thiên vị, nhưng lòng thành của bạn chưa chắc giúp bạn là người dân của xứ Thiên đàn. Lại đứng trên góc độ của Phật giáo mà nhìn, Phật giáo chính là tôn giáo vượt ngoài mọi Tôn giáo, bởi vì lý tưởng cao siêu nhất của tất cả các tôn giáo cũng chỉ là sanh lên cõi trời mà không vượt ngoài hạn định ấy, nhưng cõi trời trong Phật giáo dù là cõi trời cao tốt nhất cũng không vượt ra ngoài sinh tử luân hồi.
Thọ mạng ở cõi trời dù lớn hơn con người nhưng cũng đến lúc cùng tận, phước trời một khi đã hết cũng không tránh khỏi đọa lạc, do vậy đó không phải là nơi quy y chắc thật nhất, chỉ có quy y Phật giáo mới có thể khiến cho con người từng bước từng bước thóat ly khổ não đến với con đường giải thoát cứu kính an lạc. Tổng thể của Phật giáo chính là Phật Pháp Tăng Tam bảo.
Trên thực tế khuynh hướng của sự quy y bắt đầu từ quy y Tam Bảo, tin tưởng Tam Bảo, dựa vào Tam Bảo để khởi phát tâm mình và dẫn đường cho mình đến với con đường giải thoát hướng về Niết Bàn, nhưng khi hướng đến Niết Bàn giải thoát thì tự thân mỗi người đều chính là lý thể Tam Bảo.
Bởi vì mọi chúng sanh đều có Phật Tánh chỉ bởi nghiệp chướng mê hoặc mà không thể nhìn thấy Phật tánh của mình, mục đích của việc quy y Tam Bảo chính là việc cầu tìm sự hiển bày Phật Tánh, bởi vì mỗi chúng ta vốn giống chư Phật, vốn cùng Tam Bảo chỉ vì mê muội đánh mất bản tánh lưu lạc trong sanh tử, quên mất lối về mới gọi là chúng sinh, nếu chúng ta kịp thời quay về trong lòng của Tam Bảo, thì cũng như chàng lãng tử trở về cố hương mà thôi.
Do vậy chỉ có tìm ra con đường quay về, trở về nhà thì mới gọi là quy y chân chánh, còn nếu chỉ là những nơi dừng chân tạm bợ thì không phải là quy y chân chánh được, cũng giống như người cưỡi con trâu đất vượt qua sông thì chỉ cần nhúng chân xuống nước Trâu đà tan rã lấy gì vượt sông ?.