Huyền Tích về Núi Bà Đen huyệt đạo thiêng nước Nam
Núi Bà Đen – một ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách Thị xã Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc. Núi Bà Đen là món quà độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.Núi Bà Đen có một sức hấp dẫn con người kỳ lạ đến như thế, không chỉ bởi đây là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam, với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn bởi nhiều huyền thoại kỳ bí
Người ta vẫn thường gọi núi Bà Đen là núi Bà với lòng kính cẩn chốn thờ tự linh thiêng. Có nhiều huyền thoại về núi Bà Đen Những di tích trên núi Bà – ngọn núi được xem là biểu tượng thiêng liêng của vùng đất Tây Ninh trù phú, là “nóc nhà” của Đông Nam Bộ
Chắc hẳn chúng ta ai cũng sẽ tò mò về truyền thuyết về lịch sử núi Bà Đen, tại sao lại gọi là núi Bà Đen. Để giải đáp những câu hỏi trên thì hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
I.Sự tích núi Bà Đen
Nếu như miền Bắc có Fansipan – nóc nhà của Đông Dương, thì miền Nam có Núi Bà Đen, biểu tượng cho niềm tin, tín ngưỡng và cũng là nóc nhà Nam Bộ, đích đến của những trái tim đam mê khám phá, chinh phục.
Nằm cách TP.HCM hơn 100km, Núi Bà Đen, xưa kia gọi là Núi Một, cao 986m, được xem như biểu tượng của mảnh đất Tây Ninh giàu lịch sử. Ngọn núi sừng sững quanh năm được bao quanh bởi những tầng mây phủ kỳ ảo – xứ sở của những điển tích lạ kỳ và linh thiêng.
Theo Gia Định thành thông chí, núi Bà Đen có tên gốc là Bà Dinh. Còn những già làng địa phương lại thường gọi tên địa danh này là núi Một. Đến giữa những năm 50 của thế kỉ XVIII, tên gọi núi Bà Đênh mới xuất hiện, sau được nhiều người gọi chệch thành núi Bà Đen như hiện giờ.
Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về lịch sử núi Bà Đen, trong đó, hai câu chuyện vô cùng nổi tiếng vẫn được dân gian lưu truyền cho đến tận ngày nay.
1.Sự tích thứ nhất– nàng Lý Thị Thiên Hương 3 lần báo mộng
Ngày xưa, núi Bà Đen có tên gọi là núi Một, trên đỉnh núi có tượng Phật bằng đá rất linh thiêng. Dân chúng rủ nhau chặt cây tìm và dọn đường lên núi để cúng Phật. Dòng người lên núi chiêm bái thường phải đi thành từng đoàn vì khi xưa dọc đường có rất nhiều thú dữ. Thuở ấy, nơi đây có người con gái xinh đẹp tên Lý Thị Thiên Hương, văn hay võ giỏi, con gái của ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng – một người phụ nữ gốc Bình Định.
Truyền thuyết kể rằng, nàng vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, văn hay võ giỏi và là con của một nhà gia giáo, nên được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi và cũng tỏ lòng cảm mến nàng.
Thấy cô có nhan sắc, một ông quan nọ định dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Ông ra lệnh cho một thầy võ thi hành kế gian. Ngay lúc cô Thiên Hương gặp nạn thì Lê Sĩ Triệt bất ngờ xuất hiện cứu thoát khỏi bàn tay độc ác của tên quan nọ. Về nhà, cô thuật truyện lại, được cha mẹ đồng ý gả cô cho chàng trai cứu mạng.
Vào lúc ấy, Võ Tánh đang chiêu binh giúp Gia Long đánh nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt ra tòng quân. Một hôm, khi đang ở nhà trong một lần lên núi lạy phật và thăm dưỡng nhà sư Trí Tân, thì lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết.
Sau khi chết Lý Thị Thiên Hương, về báo mộng cho vị hòa thượng trụ trì trên núi tìm đem về chôn cất. Nàng nhiều lần hiển linh dưới hình dáng một cô gái da đen đúa về báo mộng giúp cho người dân biết được thiên tai địch họa và cách chống lại thú dữ. Để đáp lại công ơn của nàng, sư trụ trì và người dân trong vùng lập tượng thờ tự và người dân gọi nàng là Bà Đen. Từ đó, tên núi cũng được gọi theo tên của vị Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng này.
Sang đời vua Minh Mạng, có một vị hoà thượng sống tu trên núi Tây Ninh ngày kia đang niệm Phật, bỗng thấy một người con gái mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói rằng: “Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị bọn gian tà đuổi bắt đến đây chẳng may té xuống hố chết. Nay ta đã trọn kiếp tu, xin hoà thượng xuống triền núi phía Đông Nam tìm xác ta đem chôn cất dùm”.
Vị hoà thượng này y lời, đi tìm xác cô, đem về chôn cất. Câu chuyện đồn đãi ra tới tai Thượng quốc công Lê Văn Duyệt. Ông bèn lên núi tìm hiểu hư thực và hứa dâng sớ về triều phong chức cho cô gái họ Lý này nếu cô hiển linh cho ông thấy tận mắt sự thật.
Cô bèn nhập vào xác một đứa con gái, nói rằng: “Hồn của thượng quan sau này sẽ được chức thần kỳ vinh hiển, nhưng xác của thượng quan sẽ bị hành hạ”. Lê Văn Duyệt nói: “Bổn chức không cầu xin cho biết tương lai mình, mà chỉ muốn biết rõ căn nguyên của nàng”. Xác cô gái rơi nước mắt, kể lại câu chuyện chết oan ức của mình, và nhắc lại duyên nợ tiền định với chàng Lê Sĩ Triệt.
Theo lời kể, sau khi Võ Tánh tự hoả thiêu ngày thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt được phong chức chỉ huy 2 tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận. Hai người vì chưa sống chung chạ với nhau, nên được trường sinh bất tử. Nhờ vậy, nàng trở thành tiên thánh, xuống cõi trần thế để cứu nhân độ thế. Kể dứt lời, cô gái nọ té nhào, bất tỉnh hồi lâu mới dậy
Lần báo mộng thứ hai, là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ chúa đến lính đều đói lả. Nghe nhân dân nơi đây, đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đen xuất hiện trong mộng, chỉ đường thoát thân và khuyên chúa Nguyễn Ánh nên qua Xiêm tá binh để chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn.
Lần nhập xác hiển linh khi gặp gỡ Thượng Quốc công – Lê Văn Duyệt. Chuyện chẳng là vị quan này có nghe đến sự linh thiêng của bà Đen nên đã quyết tâm tìm hiểu và hứa rằng, sẽ dâng sớ vua và phong chức cho cô nàng họ Lý này nếu cô hiển linh.
Vào một ngày nọ nàng Lý Thị Thiên Hương quả thực đã nhập vào xác của một cô gái để trò chuyện với Quốc công về tương lai của vị quan tài giỏi này và nỗi oan khuất của mình, chưa được gặp lại và chung sống với chồng, đã được trở thành tiên thánh và được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế.
Ngay sau đó, Quốc công Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”, tạc tượng để thờ và ngụ ở núi Một, nay đổi tên thành núi Bà Đen.
Và sự tích 3 lần báo mộng hiển linh của nàng Lý Thị Thiên Hương được lan truyền khắp mọi nơi, cùng với tín ngưỡng tâm linh của người Việt – thường những người chết oan, họ rất linh thiêng nên tiếng lành đồn xa, dân chúng ở khắp các nơi đã về với Tây Ninh để vừa vãn cảnh, vừa cúng bái, cầu tài lộc và bày tỏ lòng tôn kính với vị thánh bà này.
2.Sự tích thứ 2 về núi Bà Đen
Trong cuốn Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh có kể rằng, ngày xửa ngày xưa, viên quan trấn thủ vùng đất dưới chân núi có hai người con. Người con trai tên là Thạch Biên, người con gái tên là Thạch Nương, thường gọi ở nhà là Đênh.
Nàng Đênh nổi tiếng xinh đẹp nên được quan trấn thủ Trảng Bàng để ý và cho người mai mối xin cưới cho con trai mình. Nhưng trong quá trình chuẩn bị lễ cưới, nàng Đênh bất ngờ mất tích khiến gia đình hai bên lo lắng khôn nguôi. Mọi người tìm kiếm suốt mấy ngày ròng rã, cuối cùng phát hiện cô gái bất hạnh không may bị cọp vồ trong rừng. Gia đình cho mai táng và lập cho nàng Đênh một ngôi mộ dưới chân núi, sau lấy tên ngọn núi đó là Bà Đen.
II.Núi Bà Đen có Tượng Phật Bà cao nhất Đông Nam Á
Một trong những điểm nổi bất nhất tại núi Bà Đen đó chính là tượng Phật Bà được mệnh danh là bức tượng cao nhất Đông Nam Á.Hình tượng nguyên mẫu của tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh là một trong số hơn 40 tượng Phật cổ tại khu di tích quốc gia Bổ Ðà Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang. Vì vậy tượng này được cơ quan truyền thông chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi là tượng Phật Bà Bổ Ðà Sơn.
Tượng Phật cao núi Bà Đen tại Tây Ninh đã xác lập 02 kỷ lục: “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng. Và kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng
Tượng Phật Bà Tây Ninh được tạo tác theo tượng Phật thời Lê. Theo tác giả đã tạo nên “kiệt tác” này, tượng các vị Bồ Tát ở thời kỳ trước có tạo hình khá đơn giản, mang tính chất thô sơ, không cầu kỳ và điều quan trọng là chủ yếu các pho tượng đều là dáng ngồi nên không thực sự phù hợp với công trình tượng đặt ngoài trời tại núi Bà Tây Ninh.
Trong khi đó, bức tượng Phật được tạc trong các chùa ở thời kỳ nhà Lê có đường nét chắc chắn, họa tiết hoa văn phong phú, tượng đẹp và đậm nét Việt. Do đó, tạo hình này sẽ vừa bảo tồn đầy đủ các yếu tố quy thức, tinh thần tượng Phật giáo cổ Việt Nam, vừa có được sự hoành tráng cho một công trình “đại tượng Phật” đặt tại một nơi độc đáo như đỉnh núi Bà Đen.
Tuy nhiên, điểm độc đáo là tác giả đã không chép lại hoàn toàn theo một nguyên mẫu tượng Phật nào mà có sự chắt lọc về trang sức, y, áo, mũ và hoa văn để tạo nên tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có thể đảm bảo các quy thức trong việc tạo tác tượng Phật, đồng thời vẫn chuyển tải đầy đủ các yếu tố chuẩn mực về tượng Phật giáo Việt Nam.
Với tổng chiều cao 72m và được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu, tượng Phật Bà gồm đài sen, khối đế 5 tầng và phần tượng.Cách tạo dáng mũ trên đầu tượng Bà được thiết kế theo cách làm thời Lê, không bị nhầm lẫn với cách tạo khăn trùm đầu của tượng Phật Trung Quốc mà hiện nay nhiều nơi vẫn đang làm.
Tượng Phật núi Bà Đen đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.
Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh – người phụ trách chuyển tải mẫu tượng sang chất liệu đồng đỏ, đồng thời cũng là chủ nhiệm công trình tượng Phật núi Bà Đen cho biết, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ẩn giấu trong mình rất nhiều nét tinh hoa của văn hóa kiến trúc Phật giáo Việt và những “mật mã tâm linh – văn hóa” vô cùng thú vị:
Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đầu đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà: tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian.
Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống: biểu trưng cho hành động ban phát phước lành, cứu rỗi chúng sinh khỏi khổ đau. Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr: mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.
Đài sen: đài sen tượng Phật ở các quốc gia khác đa phần đều không xuất hiện hoa văn mà chỉ làm trơn hoặc chỉ có đường sống kéo xuống một cách đơn giản. Duy nhất các tượng Phật của Việt Nam mới bao hàm đặc điểm kết hợp này. Đối với tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn, hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê, với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.
Trong tín ngưỡng dân gian từ xưa tới nay, Phật Bà luôn là biểu tượng vĩnh hằng của trí tuệ, đức hạnh và cả tinh thần bác ái bao la. Nếu có cơ hội được một lần chiêm bái Phật Bà, lòng bạn sẽ cảm thấy nhẹ bẫng và thanh tịnh, mọi muộn phiền dường như đều được buông bỏ lại sau lưng.
III. Hệ thống các chùa Núi Bà Đen
Tại lưng chừng núi Bà hiện nay có 6 ngôi chùa, đồng thời cũng là 6 địa điểm dựng điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
Linh Sơn Phước Trung (Chùa Trung): Ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi, thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong hành trình chiêm bái hệ thống thiền tự dọc theo chiều cao tại núi Bà Đen. Chùa Trung được xây dựng từ đời các cụ Tổ khai sơn Chơn Thoại – Trừng Trùng (1879-1910).
Đến nay, sau khi trùng tu, ngôi chùa có một kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại với nơi thờ tự trang nghiêm, thờ Chư Phật, Bồ Tát, phối tự Quan Công, Thiên Hậu, các nữ thần và Cô, Cậu.
Long Châu Phước Trung: Từ thời các vị Tổ khai sơn về núi hành đạo thì chùa đã hình thành, ngày ấy chùa được xem là chùa Trung của Linh Sơn Tiên Thạch Tự, là nơi du khách dừng chân khi đến chiêm bái chùa Hang, chùa Bà. Hiện nay, chùa được trùng tu với diện mạo khang trang, Linh Sơn Thánh Mẫu (mặt trắng) được đặt tại điện thờ chính, ở vị trí cao nhất.
Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà): Đây là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ 18 và toạ lạc tại lưng chừng núi ở độ cao 250m. Ở sân chùa Bà có tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu với kiến trúc một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động. Chính điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu mặc áo đỏ, mặt đen.
Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng): Được khôi phục lại từ một ngôi chùa cũ nơi Hòa thượng Thích Giác Điền từng tu tập trong những năm giữa thế kỷ 20, chùa Linh Sơn Hòa Đồng nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen và có diện tích chỉ khoảng 200m2. Du khách sẽ có dịp chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn trên đường đến Chùa Hoà Đồng.
Linh Sơn Long Châu (chùa Hang): Năm 1864, thầy Huệ Mạng Kim Thiền cùng một nhà sư họ Chăm chọn một hang đá cách thung lũng suối Vàng khoảng 200m để tu tập và xây dựng nơi này thành Linh Sơn Long Châu tự. Chùa Hang gắn liền với huyền thoại “Ông đá nứt” ngay trước suối Vàng.
Tương truyền trước kia, đường đến Chùa Hang rất gian nan vì có tảng đá lớn chặn, muốn đến Chùa phải đi vòng qua đường suối vô cùng khó khăn. Sư tổ Tánh Thiền đã tụng kinh cầu nguyện suốt 100 ngày thì “Ông Đá nứt đôi ra, và hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang 1,5 mét” để dẫn lối vào chùa Hang. Dấu tích ấy hiện vẫn còn, là lối đi giữa hai khối đá lớn.
Chùa Quan Âm: Chùa ở ngay Động Ba Cô, nằm phía trên và cách chùa Hang khoảng 150m. Chùa Quan Âm có chánh điện trang nghiêm, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mặt đen đội mũ phụng, áo bào, ngồi trong tư thế kiết già thiền định trên toà sen. Sau bức tượng là bài vị có nội dung “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát”.
IV.Hệ thống hang động trên núi
Ðá tại núi Bà Đen có cấu trúc đặc biệt, từng tảng lớn kích cỡ bằng nguyên một ngôi nhà chồng xếp lên nhau từ thuở khai sơn. Những khe hở giữa chúng tạo thành vô vàn hang động, trong đó nổi bật nhất là động Kim Quang và động Ba Cô.
Động Kim Quang: Từ chân núi đi lên theo triền núi khoảng 500m là đến hang động này. Động Kim Quang là một động đá cao 150m, trước kia là căn cứ địa bất khả xâm phạm của lực lượng giải phóng quân. Động Kim Quang cũng từng là nơi tu hành và giữ động của một nhà sư giữa vùng núi non hiểm trở. Phía trong động là bàn thờ chiến sĩ trận vong.
Động Ba Cô: Động Ba Cô nằm phía trên và cách chùa Hang khoảng 150m. Trước kia, từ chùa Hang lên động chỉ có một lối lên dốc ngược, quanh co qua đá núi gập ghềnh, hiện đã có lối vào phía sau động núi, vào ra thuận tiện dễ dàng từ chùa Quan Âm.
Cửa động chính nay chỉ là một khe nhỏ hẹp giữa một bên là đá núi, một bên là gốc sung già, cuối hang là một ban thờ có bày tượng “Ba Cô”. Theo truyền thuyết, đây từng là nơi thờ ba nữ tu sĩ tu niệm và thường xuống núi giúp dân nghèo chữa bệnh.