Bệnh từ miệng vào Họa từ miệng ra – 4 lời đừng nói để tránh rước hoạ vào người
Trước đây, khi nền giáo dục chưa phổ biến, chưa nhiều người đọc sách, báo và con người lại càng không biết đến tivi, máy tính, điện thoại di động, các thứ công nghệ khác… cho nên cuộc sống mỗi người sẽ có nhiều trải nghiệm hơn, và có vô số bài học kinh nghiệm được cổ nhân lưu truyền lại cho con cháu đến tận ngày hôm nay vẫn còn ứng nghiệm.
Một trong những bài học của cổ nhân truyền lại đó là thông qua câu nói : “Bệnh từ miệng vào – Họa từ miệng ra”. Ý của Cổ nhân muốn giảng dạy cho chúng ta rằng ngôn do tâm sinh.
Nếu miệng luôn nói những lời không tốt, chê trách nói xấu người khác, đều sẽ nhanh chóng bị tổn đức, mất đi phúc báo. Người hay nói ra những lời sai sự thật, phỉ báng, lời xằng bậy, lời ác gây tổn thương đến người khác sẽ tạo nghiệp rất lớn.
Để tìm hiểu thế nào thì ngày hôm nay hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé
I.Nguồn gốc câu nói : “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”
Ngày ta chập chững lò dò tập đi, ta được học nói. Gọi mẹ, gọi cha, đòi ăn, đòi chơi,…ta đặt câu hỏi, ta giãi bày lòng mình, ta chia sẻ học thức. Nhưng rồi, cái miệng cũng bắt đầu biết buông lời nói dối, lời cay đắng, lời nóng giận để biến mỗi lời thành lưỡi dao nhọn sắc. ’Những thứ vào miệng không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc’
Câu nói “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” bắt nguồn từ cuốn sách Thái bình ngự lãm được biên soạn từ thời nhà Tống, Trung Hoa. Câu nói này có nghĩa là bệnh tật là do ăn uống vô độ mà rước vào thân, còn tai họa là do lời nói vô ý mà tạo thành, đây cũng là châm ngôn sống để tu thân và tâm của cổ nhân.
Thái bình ngự lãm được viết bởi 14 học giả thời nhà Tống, trong đó có Lý Mục, Từ Huyền. Nó được biên soạn trong bảy năm, bao gồm 1.000 tập và 55 phân môn, chuyên mục. Trong mục dành riêng cho cái miệng thuộc “Nhân sinh” trong Thái bình ngự lãm có viết:
“Phúc khí đến sẽ có điềm báo trước, tai họa đến cũng có nguyên nhân. Đừng nuông chiều cảm xúc để làm những điều không phù hợp, cũng đừng để bản thân không để ý mà nói quá nhiều lời. Ổ kiến có thể làm cho cả bờ sông sụp đổ, dòng nước nhỏ có thể cuốn trôi cả ngọn núi. Bệnh tật là do ăn uống mà vào, còn họa là do lời nói mà ra”.
Trong cuộc sống có thể nhìn thấy rất nhiều minh chứng cho việc họa từ miệng mà ra, nếu ai ai cũng có thể suy nghĩ trước khi nói, thì thế giới này sẽ ít đi rất nhiều tai họa.
Cho nên mới nói: “Phúc khí đến sẽ có dấu hiệu, tai họa đến cũng có nguyên do”. Đừng nuông chiều theo cảm xúc của mình mà làm những chuyện không đúng, cũng đừng mặc kệ miệng của mình cứ thế mà nói. Hang ổ của kiến lửa cũng có thể làm sập bờ sông, dòng nước nhỏ cũng đủ làm sập ngọn núi cao. Bệnh do ăn uống không cẩn thận dẫn đến, còn tai họa là do ngôn ngữ không phù hợp tạo nên.
Trong cuộc sống, những ví dụ về họa từ miệng mà ra có thể thấy khắp mọi nơi. Nếu mọi người đều cẩn thận lời ăn tiếng nói, thì họa trên thế giới này có lẽ cũng ít đi rất nhiều rồi.
Vì thế lời ăn tiếng nói của một người sẽ phản ánh sự cao thấp về mức độ tu dưỡng bản thân và trí tuệ cảm xúc của người đó. Lời nói đọi máu. “Đọi” là một từ thuộc loại “đặc sản” của ngôn ngữ xứ Nghệ. Đọi có nghĩa là cái bát.
Câu thành ngữ trên có hàm ý là mỗi lời nói quý giá ngang với một bát máu. Một lời nói có thể cứu sống một con người cũng có thể giết chết một con người. Nhiều người vô tâm khi nói lên suy nghĩ của mình không cần biết đúng, biết sai, lời nói như những lưỡi dao găm vào lòng người khác, đến khi nói lời xin lỗi thì đã muộn.
Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nói nên chậm, tâm nên thiện. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình nói ra, để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý.
“Lời nói đọi máu”, “lời nói gói vàng”, đúc rút trên của ông cha ta đã được truyền lại qua bao đời và đến hôm nay vẫn con nguyên giá trị.
Trong cuốn “Thuật xử thế của người xưa” do nhà văn Nguyễn Duy Cần viết, có kể ví dụ về việc một lời nói khinh suất dù là đối với người đang yếu thế hơn mình, cũng sẽ tạo thành nguyên nhân dẫn tới cái họa của bản thân.
Khi vua Philippe của Macédoine đem quân vây thành Méthone, có một cung thủ đại tài tên Aster xin được gia nhập vào đội quân tinh nhuệ của nhà vua. Người ấy khoe tài nghệ bắn cung rất giỏi, chim bay dầu lẹ đến mấy y cũng bắn trúng. Vua vốn ghét người khoe mẽ nên phán rằng: “Được, để bao giờ ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ sẽ dùng đến tài ngươi”.
Aster nghe câu nói mỉa mai ấy lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù. Một hôm Aster đứng trên bờ thành, thấy vua đi thị sát các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết lên đó mấy chữ: “Gửi con mắt bên phải của vua Philippe”, rồi bắn xuống.
Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai quân đưa mũi tên vào trong thành, trên đó viết: “Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử trảm”. Sau này việc đúng như vậy. Có thể thấy, cả Aster và nhà vua Philippe đều chỉ vì khẩu khí mà chuốc họa vào thân, quả thật chính là họa từ miệng mà ra vậy.
Lược sơ qua những điều lợi hại, thì chúng ta đã thầy cái miệng, lưỡi của người thế gian điều hại sẽ nhiều hơn điều lợi rồi. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức lắm rồi
Nên chúng ta hãy nhân vốn phước báu này mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo Tu cái miệng là điều cần thiết nhất và xem như tu hơn nửa đời người rồi.
Đối với tự thân, ông bà mình nhắc: “Muốn nói gì phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Đó là lời dặn, ngỏ ý sâu xa là phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, đừng có bạ đâu nói đó, nói không cần suy nghĩ, và đừng nghĩ lời nói gió bay, muốn nói gì thì nói. Lời nói thiếu suy nghĩ có thể làm cho một người tức tưởi, khổ đau, thậm chí chết ngay tức khắc nếu người ấy còn chấp vào những nhận định đúng sai, và đặc biệt là khi nó được thốt ra từ một người thân-thương, quan trọng.
Rồi trong đối nhân xử thế thì ông bà mình cũng dặn, rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Mới nghe, có thể ta nghĩ đó là xảo thuật, là một cách biện tài của ngôn ngữ để chỉ lấy lòng, nhưng nghe kỹ ta sẽ thấy tính chất của tình thương có mặt trong lời nhắn nhủ này.
Bởi, “Lời nói không là khói, Mà mắt lại cay cay”, nên nếu mình lường trước được khả năng của lời nói, nội dung, cách mình nói có thể làm cho người khác khổ đau thì mình sẽ không nói những lời chứa đựng sự sát thương, chứa đựng nỗi khổ niềm đau.
[quads id=2]
Cũng người xưa nói, “Ngậm máu phun người, thì miệng mình sẽ tanh trước”, rõ ràng là vậy, cho nên những lời nói nhằm nhục mạ, vu oan, hoặc hạ bệ người khác cho hả cơn giận của mình bao giờ cũng làm dơ miệng mình trước.
Cái dơ của ngôn từ thiếu từ bi, không sát sự thật thì trơ trơ, khó rửa hơn là cái dơ của hình tướng. Nếu lời nói, hay những ngôn ngữ độc ác ấy được ghi ra, chép thành văn tự thì càng nguy hại, càng trở nên nặng nề hơn trong ý niệm tạo nghiệp xấu ác.
Không phải tự nhiên mà người xưa rút ra sự thật đến từ cái miệng mình, rằng: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Ăn uống không chánh niệm, ham ăn những thức ăn chứa độc tố, thiếu từ bi (như ăn thịt chúng sanh) thì sẽ làm cho thân-tâm mình bị bệnh. Nói năng không cẩn trọng, thiếu từ bi sẽ mang họa vào mình, cái họa trước mắt có thể là bị người khác phỉ báng, chê cười, bị xa lánh, bị chê bai đến bị đánh, bị giết, bị làm nhục tương tự…
Xa hơn là khẩu nghiệp phải mang theo nhiều đời kiếp, mà như nhiều bản kinh có nói đến nghiệp của miệng, chỉ vì lỡ lời chê một vị đắc quả A-la-hán tụng kinh mà phải đội lốt thú, trong hình tướng súc sanh hàng trăm kiếp, nguy hại lắm lắm.
II.Câu chuyện về việc hoạ tự miệng mà ra
1.Câu chuyện thứ nhất
Xưa kia có một người đàn ông tên là Chúc Kỳ Sinh. Anh ta thường hay dùng lời nói của mình mà bẻ cong sự thật, chế nhạo, mỉa mai những thiếu sót của người khác. Hơn nữa, anh ta còn kích động lôi kéo người khác làm điều xấu hại người.
Khi gặp người có tướng mạo xấu xí, Chúc Kỳ Sinh liền cười nhạo châm biếm họ. Còn gặp người xinh đẹp tuấn tú, anh ta liền dùng lời nói đùa cợt trêu ghẹo họ. Nếu gặp một người bần cùng nghèo khổ, anh ta không những không thương xót giúp đỡ mà còn khinh bỉ họ, gặp người giàu có thì lại ghen ghét, phỉ báng họ.
Gặp người hoang phí tiền bạc, Chúc Kỳ Sinh lại ca tụng họ là người rộng rãi. Khi gặp kẻ nham hiểm chuyên lừa lọc, độc ác với mọi người thì anh ta ca tụng người này là cao cả. Đặc biệt là khi gặp người nào đàm luận về thuyết của nhà Phật, Chúc Kỳ Sinh không tiếc lời nhạo báng và châm chọc họ là người ăn chay. Khi gặp người nào nói về Nho học và tu đức hạnh, anh ta cười và gọi họ là đạo đức giả, ngụy quân tử.
Khi thấy ai nói lời tử tế anh ta lại giễu cợt họ rằng: “Chỉ được cái nói hay!”. Khi gặp người làm việc thiện, anh ta không những không khuyến khích họ mà còn châm chọc họ rằng: “Thật là kỳ cục, tại sao anh làm việc tốt này mà không làm việc tốt kia?”. Đi tới đâu, anh ta cũng bình luận và nói những lời lẽ trái với sự thật.
Về sau đến lúc trung tuổi, Chúc Kỳ Sinh đột nhiên mắc bệnh lở lưỡi. Bệnh của anh ta không những không có cách chữa mà mỗi ngày còn phải dùng châm đâm vào đầu lưỡi, để máu chảy đầy miệng mới bớt đau đớn. Hằng năm Chúc Kỳ Sinh đều bị đau đớn vô cùng từ năm đến bảy lần. Anh ta quằn quại cực độ mỗi khi muốn nói lời nào đó. Cuối cùng, anh ta chết vì lưỡi bị teo.
Câu chuyện có thật trên đây cho thấy lời nói có thể tạo nghiệp mà “khẩu nghiệp” sẽ tổn hại phúc báo. Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa… thì phúc báo sẽ tổn thất rất nhanh. “Khẩu nghiệp” là loại nghiệp mà mọi người dễ gặp nhất. Số mệnh của một người tốt hay không, hãy nhìn xem người đó có nhiều “khẩu đức” hay không là biết. Vì vậy, “khẩu nghiệp” rất quan trọng.
Câu chuyện thứ 2
Truyện rằng…. Thuở xưa ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau…Năm ấy trời đại hạn, suốt một năm trời ròng rã không có cơn mưa nào cả. Nước hồ cứ cạn dần dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Cỏ lác trong hồ cũng vàng úa tàn tạ. Chút nước còn sót lại nơi đáy hồ thì nóng hầm hập như một chảo nước sôi, vì thế mà các loài thủy tộc chết lần chết hồi gần hết cả.
Tình thế quá nguy nan, Rùa ta ngồi đứng không yên và trong đầu óc luôn luôn suy nghĩ một phương kế thoát thân khỏi cái địa ngục trần gian này. Đang bồn chồn lo lắng thì may thay lúc ấy hai vợ chồng nhà Cò Trắng đến chơi. Thấy bộ dáng thiểu não của chàng Rùa, hai vợ chồng Cò ân cần hỏi thăm:
– Chắc có chuyện gì buồn chăng? Mà trông bác có dáng lo nghĩ thế?
Rùa rầu rầu đáp:
– Hai bác ơi, tôi đang gặp phải đại hoạn nạn, phen này chắc chết mà không còn được gặp mặt hai bác nữa.
Cò Trắng chồng an ủi:
– Chúng ta là bạn bè thân thiết với nhau, sung sướng cùng chia thì hoạn nạn cùng chịu. Vậy bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân nào làm cho bác phiền muộn, may ra chúng tôi có thể giúp đỡ bác chăng?
Rùa trả lời với một giọng lâm ly thống thiết:
– Không biết hai bác hồi này làm ăn thế nào, chứ tôi đây hai hôm nay chưa hề được lót dạ đến một nửa con tép chứ đừng nói gì là tôm cá, vì chúng đã chết hết cả rồi! Mà nước thì cứ cạn dần thế này, có lẽ sớm muộn gì thì tôi cũng không thoát khỏi bàn tay độc ác của lũ trẻ chăn trâu.
Cách đây ba năm tôi đã bị chúng bắt một lần, may nhờ một bà già mua tôi về và đem đến chùa phóng sinh nên Rùa tôi mới sống sót đến ngày hôm nay. Vì thế mỗi lần nghĩ đến tai nạn, chết chóc, là tôi lại rùng mình, sợ đến buốt cả óc!
Trong lúc chàng Rùa đang vò đầu bứt tai than thở thì chị Cò vợ thương hại hỏi:
– Sao bác không di chuyển đi ở một nơi khác xem sao?
Rùa ta chạnh lòng đáp:
– Hai bác biết đấy, xưa nay tôi chưa từng đi đâu xa, đường sá thì muôn trùng hiểm nguy mà sự đi lại của tôi lại quá chậm chạp, nên tôi nghĩ thà chết tại nơi chôn nhau cắt rốn này còn hơn. Ngẫm cho cùng, đời chúng ta ai chẳng có một lần phải chết.
Bỗng chàng Cò chồng ngóng cổ nói lớn lên với một giọng đầy khảng khái và hy vọng:
– Thôi bác khỏi lo! Cách đây mười dặm, có một hồ sen không khi nào cạn, mặc dù là lúc trời hạn hán. Chúng tôi sẽ đem bác đến đấy, trước là giải quyết sinh kế cho bác mà sau nữa là anh em ta được gần gũi nhau trong lúc tối lửa tắt đèn.
Cò chồng chùng giọng xuống nói với vẻ mặt đầy nghiêm trọng:
– Phương án là như thế này: Hai vợ chồng tôi sẽ tha một mẩu cành cây nhỏ mỗi người một đầu. Còn bác thì ngậm ở ngay đoạn giữa, chúng tôi sẽ tha bác đến cái hồ kia. Nhưng có một điều tối quan trọng, để không xảy ra nguy hiểm bác nên nhớ: trong lúc chúng tôi bay bác phải ngậm chặt vào khúc cây và không được nói năng hay hỏi han gì cả mặc dù có gặp phải tình huống thế nào đi chăng nữa.
Chỉ cần bay trong vòng nửa giờ là chúng ta đến nơi. Bác nhớ nhé! Tôi dặn lại: Dầu gặp tình huống ra sao bác cũng phải ngậm miệng không nói, đó chính là vấn đề sinh tử.
Rùa ta ra vẻ hiểu biết, nói:
– Vâng tôi nhớ rồi, hai bác cứ yên tâm, tôi sống đến chừng này tuổi đời rồi, nay không còn hồ đồ nữa.
Sau khi sửa soạn xong xuôi, hai vợ chồng Cò Trắng lại thiết tha căn dặn Rùa lần cuối cùng:
– Ðó, bây giờ bác có muốn ho hen, đằng hắng hay nói gì thì nói đi. Chứ chốc nữa mà mở miệng thì nguy hiểm lắm đấy!
Nói xong, cả ba làm theo kế hoạch, bốn cánh Cò vỗ gấp gáp, hai cặp chân Cò duỗi thẳng đạp mạnh lấy đà, rồi từ từ bay lên khỏi mặt đất.
Rùa ta cắn chặt vào chính giữa mẩu cành cây, thấy mình được kéo lên cao dần, cao dần, rồi bay cao bay xa tít tắp… chẳng khác nào trong câu chuyện cổ tích vậy!
Bay được một lát, mặc dù lần đầu tiên thấy những cảnh kỳ lạ hiện ra trước mắt: đây cánh đồng xanh rì gợn sóng như tấm lụa màu ngọc bích khổng lồ, kia con sông trắng phau nằm vòng vèo như con bạch xà uốn khúc, và cây cối, và nhà cửa v.v… bao nhiêu là cảnh đẹp mắt.
Ðã bao lần chàng Rùa định mở miệng để hỏi cho thỏa tính tò mò, nhưng may thay mỗi lần định hỏi, Rùa ta lại sực nhớ đến lời dặn quan trọng của vợ chồng anh Cò Trắng tốt bụng. Nếu sự đời yên ổn thì nói làm chi, rủi thay, cuộc hành trình của vợ chồng Cò trắng và Rùa không qua khỏi cặp mắt tinh quái của lũ trẻ mục đồng!
Một đứa trong đám trẻ chăn trâu phát hiện chuyện lạ trước tiên, nó lập tức la lớn:
– A ha! A ha! Vui quá! Bọn trẻ đồng thanh hét ầm lên. Vừa hét chúng vừa nghển mặt lên trời mà chạy theo cổ vũ. Có đứa bất cẩn vì mải ngóng tuồng vui mà giẫm cả vào phân trâu nữa.
Một thằng bé to đầu nhất trong bọn hét lớn:
– A ha! Thật giống hai thằng què dắt một ông thầy bói mù. A ha! Thầy bói! Thầy bói! Thầy bói rùa bị cò bắt tha đi!
Không dằn được tức giận, Rùa ta bèn mở miệng, định bụng hét lớn:
– Mặc kệ tao, mắc mớ gì đến chúng mày. Ðồ trẻ trâu!
Nhưng than ôi! Rùa vừa mới mới mở miệng ra, còn chưa kịp hét tròn vành một từ: “Mặc…” thì cậu ta đã vùn vụt rơi xuống, đụng vào một tảng đá và chết tan thây.Người xưa vẫn có câu: “Bệnh nhập tùng khẩu; Họa xuất tùng khẩu”, ý tứ là: Bệnh nhập vào thân là từ cái miệng; Hiểm họa xuất hiện cũng là từ cái miệng.
Rùa kia vốn đã hồ đồ không biết giữ mồm giữ miệng lại thêm cái tật nóng nảy và cái tâm ưa tranh tranh đấu đấu với đời nữa thì đúng là: đại họa bên mình, thình lình khởi phát. Dù sao thì Rùa kia cũng đã chết rồi, nên thiết nghĩ không bàn thêm gì nữa.
Từ câu chuyện trên, có thể đúc kết 4 khẩu nghiệp cần tránh:Dưới đây là 4 từ “đừng”, giúp bạn tránh “rước họa vào thân”.
III.4 từ đừng nói giúp bạn tránh rước hoạ vào người
1.Đừng buông lời thị phi
“Thị” tức là đúng, “Phi” tức là sai. Hai chữ này đi với nhau ý muốn nói những chuyện trên đời này qua miệng lưỡi thế gian bỗng trở nên khó phân biệt đúng sai.Thị phi cũng giống như hai màu đen và trắng, cảm xúc ghét và thương. Chúng là những mảng đối lập nhau nhưng lại chẳng thể tách rời.
Người xưa có câu “Thiện ý một câu ấm ba đông. Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Lời nói thị phi vốn mang theo năng lượng không tốt, có thể thực sự “giết người không dao”.
Miệng nói ra quá nhiều lời thị phi, tâm hồn sẽ dần dần bị vẩn đục. Ai cũng có một con đường để đi, một cuộc đời để sống. Tốt hay xấu, họa hay phúc đều do mỗi người tự chọn, tự đối diện và tự gánh chịu. Hà cớ chi phải bàn tán việc của người khác, lời ra tiếng vào.
Thử nghĩ mà xem, nếu bạn luôn dành thời gian để quan tâm, săm soi cuộc sống của người khác, thì cuối cùng chúng ta nhận được gì? Điều chúng ta nhận được, chính là sự bỏ bê cuộc đời của chính mình. Liệu đó có phải cách sống và hành xử của một người thông minh?
Đã là người thông minh, hiểu đời thì nên biết việc nào nên làm, lời nào nên nói, dùng “nhân” để đối nhân, bao dung, độ lượng, có như thế mới gặp dữ hóa lành, biến hung thành cát, tích được phúc đức cho mình và cho con cháu đời sau.
Con người thường thích than phiền, chỉ trích và phê phán người khác. Đây là một loại “bệnh nan y” cần phải trị lập tức! Biện pháp “chữa bệnh” duy nhất là, không sân si, không hơn thua, không chê bai, không trách móc. Nếu muốn phê bình người khác, thì phải chỉ rõ thế nào là đúng, thế nào là sai.
Đối mặt với mọi chuyện trong cuộc sống, ta phải học được cách “không tranh cãi” cho bằng được. Câu “bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng” nghĩa là, tham ăn và thích buôn chuyện chính là thói quen xấu của con người, làm ảnh hưởng tới sức khỏe về sinh lý và gây nên sự tranh chấp giữa người với người.
Người thông minh hiểu được rằng, sự thật thắng mọi lời biện giải. Mọi việc chỉ cần có bằng chứng chứng minh cụ thể, không cần dài dòng nhiều lời tốn sức.Kiểm soát tốt miệng lưỡi của bản thân, đừng vì sự sảng khoái nhất thời mà có một nói thành ba, đâm chọc làm tổn thương người khác.
Lời Phật dạy về thị phi rằng, mọi chuyện trên đời đều đến từ lắm lời, muộn phiền sinh ra chỉ vì xen vào chuyện của người khác.Làm việc cẩn thận, nói năng thận trọng, nhiều lời vô ích, không bàn chuyện thị phi, không nói xấu đặt điều người khác, tất nhiên sẽ có thể hóa địch thành bạn.
2.Đừng nói lời oán than
Cuộc sống vốn dĩ là chuỗi ngày đầy bất ngờ. Có đôi lúc chúng ta gặp phải những bất công, hoặc những việc xảy ra không như ý muốn.Những lúc đó, thay vì phàn nàn, thất vọng và buông lời oán than. Hãy học cách im lặng, tự cân bằng cảm xúc của mình. Học cách chấp nhận và thích nghi. Trước bão giông, bình tâm đối mặt, sống tâm an trước sóng gió cuộc đời.
Thường xuyên phàn nàn oán trách sẽ trở thành thói quen xấu khiến chúng ta chỉ biết quy lỗi lầm cho người khác hoặc cho chính vấn đề đó, nhưng lại bỏ qua những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân.Thực tế là, những người thích phàn nàn oán trách thật ra lại rất nhỏ mọn, chính bản thân không dám tự mình gánh chịu trách nhiệm, mà thay vào đó là đùn đẩy cho người khác hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận.
Một cách vô thức, chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ ngón tay vào người khác. Bằng cách này, chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người khác, đồng thời lấp liếm đi khuyết điểm, lỗi lầm của chính mình, từ đó khiến bản thân ngày càng trở nên hẹp hòi, khó chịu.
Oán trách là một vòng luẩn quẩn trượt dốc không lối thoát.Có thể bạn không biết, lời nói oán hận mang theo những năng lượng rất xấu. Nó xuất phát từ tâm oán trách, đố kỵ của con người. Oán hận che mờ lý trí, hành động thiếu sáng suốt, thậm chí có thể đưa ra những quyết định sai lầm, gây hậu quả lớn.
Thực tế, khổ ải ai mà chưa từng kênh qua, khó khăn ai mà không gặp phải?
3.Đừng gieo tiếng ác
Những lời nói ác ý thường xuất phát từ tâm không thiện. Tâm ác thì nói lời ác, sinh ra khẩu nghiệp. Nói lời ác ý, dù với mục đích gì đi chăng nữa mà làm tổn hại đến người khác đều đồng nghĩa với việc tích nghiệp.
Người nói lời hung ác thường chủ ý từ tâm không thiện. Đả thương lòng tự trọng của người khác, chửi mắng người khác, làm phương hại danh dự người khác là họa từ miệng ra, nói lời hại người lại chính là hại mình, tự mang phiền toái đến cho mình.
Tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Nhà Phật quan niệm, nghiệp là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý, cùa thân, miệng và ý, nguyên nhân đưa tới quả báo, cả hai “nghiệp” và “quả báo” tạo thành “luật nhân quả”, tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi khắp sáu cõi.
Nói lời ác ý, dù là để tự vệ hay tấn công mà làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự tích thêm nghiệp quả cho mình. Chẳng thiếu gì những người “khẩu nghiệp” cho sướng miệng, dùng toàn những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, bỏ lơ hậu quả mình gánh chịu.
Tôn trọng người khác cũng như tôn trọng mình, hãy nhớ mình nói những lời không hay, trước tiên, đó cũng thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân.
Có thể đôi lúc bạn nói cho vui nhưng tổn thương của người nghe là thật. Tôn trọng người khác cũng như tôn trọng chính mình. Tặng người một đóa hoa thơm, người đầu tiên được thưởng thức chính là chúng ta chứ không phải ai khác.
Mỗi người đều phải có trách nhiệm về lời mình nói ra. Có những lời mà người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc tùy ý mạnh miệng đã vô tình tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Và tốt hơn cả, tâm nên thiện để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý hay trù ẻo.
4.Đừng nói lời ngông cuồng
Lộng ngôn là những lời nói trong lúc cao hứng mà sinh ra. Người nói lời lộng ngôn ngông cuồng thường là kẻ tự phụ, cậy vào tài năng của mình, mà xem thường người khác. “Thùng rỗng kêu to” vốn rất phổ biến. Kẻ không có tài thực thường chỉ mạnh miệng khoe khoang, cốt là lấy khẩu khí nhưng thiếu hụt tài năng và trí tuệ.
Cổ nhân dạy: Trời cuồng ắt có mưa, người ngông ắt gặp họa. Người ngông cuồng chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp. Người có trí, có dũng sẽ không bao giờ bộc lộ thói kiêu căng, huênh hoang với mọi người.Những người khiêm tốn, biết giữ gìn hòa khí sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng. Người ngông cuồng dù vinh quang được trong chốc lát nhưng lại bị người người xa lánh, ghét bỏ.
Sống ở đời ai cũng có chút tự luyến. Tất nhiên, sự tự luyến này có thể vừa là cái gốc của sự tự tin, nhưng cũng có thể là căn nguyên của sự tự phụ. Một khi đã mở miệng nói ra những lời ngông cuồng, bạn sẽ trở thành kẻ tự phụ trong mắt người khác. Vì thế, với những lời ngông cuồng tuyệt đối đừng nên nói.
Làm người, có thể kiên cường nhưng tuyệt đối đừng kiêu ngạo, huênh hoang. Bởi sự ngông cuồng đó chính là cội nguồn của những việc làm không có kết quả tốt đẹp. Người thông minh là người biết thể hiện đúng lúc, đúng nơi. Dùng hành động thay cho lời nói. Người thông minh cũng hiểu rằng “Có tài mà cậy chi tài, Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Việc thể hiện sự thông minh chỉ chuốc thêm nhiều sự ghen ghét, đố kỵ của người khác.
Núi cao sẽ có núi cao hơn, người tài giỏi ắt sẽ có người tài giỏi hơn. Sống ở đời khiêm tốn chưa bao giờ là thừa. Tốt nhất nên biết điều một chút, tự cao tự đại chỉ khiến bản thân chuốc thêm khó khăn, rắc rối mà thôi.