Tết Đoan Ngọ 2023 Cúng gì chuẩn nhất và kiêng kỵ những điều gì
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, tuổi thơ đã đôi lần được bà, được mẹ gọi dậy vào một buổi sáng tháng 5 đẹp trời để “làm thủ tục giết sâu bọ” rồi đúng không? Buổi sáng hôm ấy chính là ngày tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ Tết truyền thống ở Việt Nam. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch.
Và cho tới tận bây giờ, chúng ta vẫn thường được đón tết Đoan Ngọ hằng năm. Vậy nhưng, mấy ai biết được ngày tết Đoan Ngọ là ngày gì? Sự tích tết Đoan Ngọ và ý nghĩa của ngày Tết này ra sao? Nên cúng gì trong tết đoan ngọ và có những điều gì phải kiêng kỵ. Để hiểu rõ hơn về ngày tết đặc biệt này, hãy cùng Kênh Tử Vi đi tìm hiểu nhé
I.Tết Đoan Ngọ là gì
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương hoặc gọi theo một cách dân dã khác là ngày giết sâu bọ.Tết đoan là một ngày lễ đặc biệt quan trọng trong truyền thống người Việt Nam được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Ca dao Việt Nam có câu:
“Tháng tư đong đậu nấu chè.
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.”
“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.
Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: Tục chiết sâu bọ, Tục nhuộm móng chân – móng tay, Tục tắm nước lá mùi, Tục khảo cây lấy quả, Tục hái thuốc vào giờ Ngọ…
Tại mỗi nước khác nhau những tục lệ và nghi thức cho ngày Tết Đoan Ngọ lại khác nhau. Ở Đông Á có Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc ngày Tết này được bảo tồn và chân trọng lưu giữ.
II.Sự tích tết Đoan Ngọ
1.Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc
Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là một vị trung thần, đồng thời cũng là một nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền, ông là tác giả của bài thơ “Ly Tao” nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng đau buồn vì đất nước suy vong.
Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông liền ôm một tảng đá rồi nhảy xuống sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5. Dân chúng địa phương nghe tin, đều hò nhau chèo thuyền đến vớt xác ông nhưng không sao tìm thấy được, họ liền đổ gạo xuống sông, những mong cá không động chạm tới thân xác của ông.
Đến ngày 5 tháng 5 năm sau, người dân địa phương lại chèo thuyền ra giữa sông, mang theo gạo để tế Khuất Nguyên. Về sau, người ta đã dùng thuyền rồng thay thế cho thuyền con, dùng bánh tro thay thế gạo để tế lễ. Hoạt động tế lễ Khuất Nguyên này còn được giữ mãi về sau và được gọi là ngày tết Đoan Ngọ.
2.Nguồn gốc tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Vào một ngày sau vụ mùa, người nông dân tổ chức ăn mừng vì mùa màng bội thu, tuy nhiên năm đó, vào đầu tháng 5, sâu bọ lại kéo đến nhiều, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người dân đau đầu không biết phải làm thế nào để giải quyết vấn nạn sâu bọ, bỗng có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng, mỗi nhà lập một đàn cúng gồm có trái cây, bánh tro, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo và chỉ một lúc sau, lũ sâu bọ té ngã rũ rượi. Ông lão còn dặn thêm, hằng năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì mà ông nói sẽ trị được lũ sâu bọ.
Dân chúng biết ơn, định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân gọi ngày này là ngày “giết sâu bọ” hay có người gọi là “tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường là vào giờ Ngọ.Thực tế, trong văn hóa Việt Nam, ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
“Tháng năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.”
Còn ở vùng đồng bằng Nam Bộ, ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày “Vía Bà” trong tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.Tại Đồng Tháp hay một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi là ngày “nước quay”, cứ theo lệ hằng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta, làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước.
Và năm nào cũng vậy, ngày 5 tháng 5 được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hằng năm.Chính vì vậy, ngày 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm, người dân khắp mọi miền tại Việt Nam đều có thói quen sửa soạn lễ lạt và cúng tế.
III.Ý nghĩa của tết Đoan Ngọ
Đầu tháng 5 là thời điểm kết thúc vụ chiêm, bước vào vụ mùa. Đây là lúc để bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Chính vì vậy, ngày này là ngày để nhân dân bày tỏ lòng thành và cầu mong cho một mùa màng bội thu sắp tới.
Hiện tại ở nhiều làng quê Việt Nam vẫn còn lưu giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày tết này. Đây cũng chính là dịp để gia đình sum họp, con cháu dù làm ăn ở xa vẫn cố gắng thu xếp để về bên gia đình.Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá cũng bắt đầu đơm hoa kết trái, vì thế, hoa quả là thứ đồ cũng không thể nào thiếu trong những mâm lễ cúng của người dân.
IV.Tết Đoan Ngọ cúng gì? Ăn gì?
1.Tết Đoan Ngọ cúng gì?
Mặc dù tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là ngày tết truyền thống lâu đời của người Việt Nam, tuy nhiên, theo năm tháng, các nghi lễ thờ cúng dần mai một khiến nhiều người không khỏi thắc mắc mùng 5 tháng 5 cùng gì và cúng lúc nào mới đúng?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa , theo truyền thống, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 13 giờ chiều. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ. Mặc dù vậy, để phù hợp với nhịp sống sinh hoạt hiện đại, ngày nay, các gia đình thường làm lễ cúng mùng 5 tháng 5 vào sáng sớm.
Tùy vào thực tế của từng địa phương mà mâm cúng ngày tết Đoan Ngọ có thể khác nhau, Một mâm cúng mùng 5 tháng Năm gồm những gì thường không được quy định rõ ràng mà sẽ có sự thay đổi theo từng vùng.
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp. Ví dụ như ở miền Bắc, một lễ cúng mùng 5 tháng 5 thường sẽ có:
- Hương, hoa, vàng mã.
- Nước, rượu nếp.
- Các loại hoa quả.
- Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp.
- Xôi, chè.
Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro… để diệt trừ” sâu bọ”, xua đuổi hết bệnh tật…
2.Một số phong tục trong ngày Tết Đoan ngọ
Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là “cái”. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.
Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết “ngả rượu nếp” và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra Hà Nội bán, có người chỉ trong một buổi sáng bán được đến cả 10 chậu nếp cẩm.Ở miền Trung và miền Nam, cơm rượu nếp thường được viên thành những viên tròn hoặc vuông trước khi ủ chứ không để rời như miền Bắc. Đặc biệt, người miền Nam còn thường ăn kèm cơm rượu nếp với nước đường để làm mùi men rượu nồng đượm hơn.
Ngoài ra, theo truyền thống của các tỉnh phía Nam, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP.HCM, vịt quay, heo quay trong ngày mùng 5 tháng 5 cũng thường tăng hơn so với ngày thường.
V.NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ VÀO NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ
Ngày Đoan Ngọ là ngày đánh dấu thời tiết mới, người dân cầu cho mùa màng bội thu vì vậy bạn cần lưu ý kiêng kỵ những điều sau:
1.Không nên để rơi hay mất tiền
Dù đi đâu cũng nên cần thận bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình vì theo quan niệm rơi hay mất tiền trong ngày Tết Đoan Ngọ là một điềm báo xấu.Vào ngày Tết Đoan Ngọ, bạn nên thận trọng khi thực hiện những giao dịch tiền bạc, ký kết hợp đồng và bảo vệ tốt tài sản cũng của mình để tránh tiền bạc bị rơi mất, hư hao. Bởi làm rơi tiền, mất mát tài sản trong ngày này là một điều đại kỵ, do điều này không khác gì việc bạn để tài lộc của mình rơi mất.
Vì vậy, vận trình tài lộc của bạn cũng theo đó mà tiêu tán, ngày càng sa sút, dễ rơi vào cảnh nợ nần, thiếu trước hụt sau.Rơi tiền bạc hay ví trong Tết Đoan Ngọ chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận ắt đi xuống. Khi đi du lịch vào ngày này, dù xa hay gần, bạn cũng cần lưu ý giữ tiền bạc cẩn thận.
2.Không nên dừng chân ở nơi âm u, nhiều tà khí
Trong ngày tết Đoan Ngọ, nếu đi ra khỏi nhà không nên dừng chân ở những nơi âm u nhiều tà khí như bệnh viện, nghĩa trang hay nhà tang lễ… vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
3.Không nên để giày dép lộn xộn
Quan niệm xa xưa cho rằng, giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ tà (tức tà khí), nếu để lộn xộn lung tung sẽ dễ chiêu dụ tà khí. Vậy nên để mũi giày hướng ra ngoài tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc và tình duyên.
4.Không nên soi gương sau 12h đêm
Không nên soi gương 12h đêm vì khoảng thời gian này âm khí hoạt động mạnh. Nếu soi gương hay chụp ảnh rất dễ chiêu âm khí và không tốt cho sức khỏe cũng như xảy ra những hiện tượng khó lý giải.
5.Tránh mua đồ lưu niệm trong ngày Tết Đoan Ngọ
Quan niệm này được nhiều người xưa cho rằng, mọi vật đều chứa linh khí nếu tốt sẽ mang lại may mắn tài lộc còn nếu không tốt sẽ mang những điều xui xẻo. Vì vậy nếu đi du lịch vào những ngày này bạn cần tìm hiểu kỹ để tránh sai lầm.
Vạn vật trên đời đều chứa linh khí song không phải trường khí nào cũng mang lại may mắn, điều tốt lành cho con người. Nếu là linh khí tốt thì vật đó sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho chủ nhân, nhưng ngược lại, nếu linh khí không tốt ắt sẽ mang họa, những điều xui xẻo cho người sở hữu.
Chính vì vậy, nếu không rõ ý nghĩa của món đồ đó thì tốt nhất bạn không nên mua chúng trong ngày Tết Đoan Ngọ, tránh mang tới những hậu quả khôn lường, hại mình hại người.
6.Không chụp ảnh dưới chân tòa tháp, góc tường, đồ vật cổ xưa…
Bởi những nơi như dưới chân tòa tháp, đường dây điện cao áp, góc tường… chứa nguồn năng lượng phức tạp. Chụp ảnh ở nơi đây có thể khiến bạn gặp phải những hiện tượng khó lý giải, nên tránh thì tốt hơn. Việc chụp ảnh với những cổ vật xưa cũng không nên, nhất là khi đụng chạm hay nhảy cả lên những cổ vật này để chụp hình lại càng phải tránh. Cổ vật xưa chứa nguồn âm khí mạnh, cẩn thận kẻo rước họa vào người.
Không để mất tiền trong ngày Tết Đoan Ngọ: Khi đi du lịch, dù xa hay gần, bạn cũng cần lưu ý giữ tiền bạc cẩn thận. Nên có đồ vật chuyên dụng để đựng các loại tiền thay vì vứt mỗi chỗ một ít. Cách làm này chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận ắt đi xuống.
7.Tránh đi thăm quan lăng tẩm, địa đạo sau 3h chiều…:
Những địa điểm thăm quan là lăng tẩm, địa đạo, chiến tích cổ xưa… bản thân nó chứa nhiều năng lượng tiêu cực. Vì thế, tốt nhất nên đi tham quan trước 3h chiều. Sau thời điểm này, dương khí sẽ suy dần, âm khí lấn át, không tốt chút nào. Ngoài ra, không nên dừng lại ở những nơi hoang vắng như rừng núi, hang động… một mình quá lâu.
8.Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ:
Theo lý giải, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe. Khi bước vào một khách sạn, nhà nghỉ, cần để ý xem không khí ở đó thế nào. Nếu thấy u ám, không thoải mái, mùi gì đó bất thường… nên tránh xa.
Không nên ở trong những phòng bài trí các đồ vật mang tính chất tôn giáo như tranh, tượng phật, thánh… Bởi tác dụng chính của những vật phẩm này là chấn áp tà khí, chứng tỏ phòng ốc đó có vấn đề. Đây cũng là một trong những kiêng kị phong thủy cần tránh.
VI.Những điều nên làm trong ngày Tết Đoan Ngọ
1.Đeo vòng trường thọ hoặc túi thơm
Dùng dây ngũ sắc kết thành vòng, treo trước cửa hoặc đeo trên cổ, đeo trên tay, treo trước nôi con trẻ, có thể tránh bệnh tật, phù hộ bình an, sống thọ. Ngoài ra, đeo túi thơm chứa hương liệu cũng có tác dụng tương tự.Với trẻ con, bạn nên đeo cho bé vòng dâu hoặc một số loại vòng phong thủy.
2.Treo cây mây và ngải cứu trước cửa nhà
Theo vị Lý học truyền thống, nếu treo mây và ngải cứu trước cửa nhà (treo trước 3 giờ chiều) có thể giúp bạn tránh được tà khí vào trong nhà. Ngoài ra, hai loại cây này còn có thể tránh các côn trùng độc. Đối với những người phải đi làm hoặc ra ngoài vào ngày tết Đoan ngọ thì nên đem theo lá ngải hoặc cành mây, cũng có thể phun ít rượu Hùng Hoàng để tránh tà ma, tăng vận thế.
3.Dán giấy trắng đỏ đuổi tà khí
Dùng giấy đỏ cắt thành hình hồ lô hoặc hình Ngũ độc, lấy giấy trắng làm nền, bắt đầu từ tháng 5 Âm lịch, dán chúng trước cửa hoặc dùng giấy cứng cắt thành hình bánh chưng, buộc thêm sợi dây ngũ sắc đeo bên mình. Sau khi qua 5/5, bánh chưng ngũ sắc và hồ lô giấy ném hết ra ngoài cửa, có thể tránh đuổi tà khí, đem lại vận may.
Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia các hoạt động phóng sinh để giải nghiệp, tăng vận thế cho bản thân.