Lời Đức Phật Thích Ca dạy – Cha mẹ bỏ rơi con cái sẽ phải chịu quả báo gì
Trong xã hội loài người, có rất nhiều mối quan hệ bắt buộc một người phải trải qua. Tùy mỗi mối quan hệ, con người cần phải thể hiện bổn phận trách nhiệm cũng như được hưởng những quyền lợi từ mối quan hệ đó. Trong tất cả mối quan hệ tồn tại thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan trọng, thiêng liêng và có sự ràng buộc hay nương tựa nhau nhiều nhất.
Về mối quan hệ này, Đức Phật đã giảng dạy qua nhiều bài kinh được ghi chép trong hệ thống kinh Nguyên thủy và Đại thừa. Tác giả Thích Đạo Phong cũng đã phân tích mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được Đức Phật dạy trong kinh Thiện Sinh
I.Nhân duyên giữa cha mẹ và con cái
Sự kết thân trở thành mối quan hệ cha mẹ và con cái là do nghiệp duyên. Theo Phật giáo, có bốn loại duyên nghiệp đưa đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong kiếp hiện tại. Đó là người con sẽ báo ân, người con sẽ báo oán, người con sẽ đòi nợ và người con sẽ trả nợ.2 Theo thuyết này, chúng ta có thể bổ sung trường hợp nghiệp duyên tương trợ tức là cha mẹ và con cái nương tựa nhau theo nhân quả bình đẳng mà không phải nghiêng về một bên nào chịu quả tích cực hay tiêu cực.
Nhân duyên tạo nên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được Đức Phật dạy trong kinh Trung bộ. Có ba yếu tố cần thiết tạo nên một bào thai để sau này trở thành người con. Ba yếu tố đó là cha mẹ có giao hợp, người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và hương ấm hay tâm thức có hiện tiền. Như vậy, cả ba yếu tố không tự độc lập quyết định tạo nên mối quan hệ cha mẹ con cái theo ý muốn mà chính “duyên nghiệp” mới là điều kiện quyết định.
Một người học Phật và hiểu giáo lý nhân duyên nghiệp thì sẽ không có thái độ trách cứ người đã tạo ra thân phận con người hay ngược lại. Điều cần làm là người con và cả cha mẹ nên chấp nhận thân phận của mình để chuyển nghiệp.
Thông thường, cha mẹ sinh con cái là vì tình thương yêu đối với đứa con do chính mình tạo ra. Một cặp vợ chồng trước khi sinh con thường có mong muốn làm cha mẹ và có sự chuẩn bị chu đáo. Trong trường hợp “vỡ kế hoạch” hay “ngoài ý muốn” thì cha mẹ có tình thương con cũng sẽ chăm sóc đầy đủ cho con khôn lớn. Chính tình thương khiến cha mẹ nuôi con không quản gian lao khó nhọc và không kể công nuôi nấng. Những bậc cha mẹ có tình thương con cái, nuôi chúng lớn khôn và tạo điều kiện tốt cho chúng vào đời được Đức Phật ví như Phạm Thiên đáng được cúng dường
Xưa nay, có rất nhiều câu ca dao và thơ văn ca ngợi về ân đức của hai đấng song thân. Những câu ca dao như “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” hay “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…” đã ăn sâu vào tâm thức của những người con Việt. Thật sự may mắn cho những người con có được hai đấng sanh thành có nhiều tình thương yêu đối với con cái.
Tuy nhiên, điều bất hạnh vẫn xảy ra đối với một số ít người con bị những bậc cha mẹ không có tình thương, thậm chí nhẫn tâm với con cái. Nó thể hiện qua việc cha mẹ không biết lo toan cho con hay hy sinh cho con. Có bậc cha mẹ còn bỏ rơi con, đánh con, bắt con phải làm để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của mình cho dù chúng còn rất nhỏ bé và ngây thơ. Hình ảnh những trẻ em ăn xin mà không được thọ hưởng là một ví dụ.
Bằng tuệ giác thấy rõ nhiều hạng cha mẹ khác nhau, Đức Phật đã đưa ra năm bổn phận dành cho các bậc cha mẹ đối với con cái được ghi lại trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt. Năm bổn phận bao gồm: ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con.
Dựa vào lời dạy của Đức Phật, mặc dù tình thương của cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng nhưng cũng phải có bổn phận cụ thể. Năm bổn phận này đã được nhiều bậc tôn đức giảng giải. Ở đây, người viết bàn thêm về điều một, hai và năm để làm rõ bổn phận của cha mẹ theo lời Phật dạy. Điều một và hai nhấn mạnh bổn phận của cha mẹ về việc giáo dục con cái để chúng tránh ác làm thiện. Vấn đề đặt ra là cha mẹ giáo dục con cái như thế nào để làm trọn bổn phận của mình.
Theo nền văn hóa phương Đông, cha mẹ thường giáo dục con cái tại môi trường gia đình. Ở đây, cha mẹ dạy con cái các phép tắc lễ nghi hàng ngày như thưa, chào, chắp tay, vòng tay…, vâng lời cha mẹ, ông bà, người lớn…, tránh xa bạn xấu, nên gần bạn lành, nói lời lịch sự, không nói lời thô tục…, tránh giết hại vô cớ, tránh gây gổ người khác, có tình thương người và động vật…
Những cách thức chung này các bậc cha mẹ có tình thương con đều áp dụng dạy con. Một trong các yếu tố tạo nên hiệu quả của cách giáo dục này là tấm gương từ cha mẹ. Thật khó cho con cái trở nên tốt khi cha mẹ nói và làm mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như cha mẹ dạy con nói lịch sự nhưng cha mẹ hay chửi thề… thì hiệu quả giáo dục khó thành công.
Theo truyền thống Phật giáo, tất cả những bậc cha mẹ Phật tử phải học và hành theo lời Phật dạy. Sự thực hành đúng bổn phận của người Phật tử tại gia là các bậc cha mẹ đã đóng góp một phần lớn trong việc giáo dục con cái theo Phật giáo. Từ cơ sở đó, cha mẹ có thể dễ dàng giáo dục con trở thành Phật tử.
Có thể nói, sự giáo dục con cái tránh ác và làm thiện không gì có thể so sánh bằng hướng dẫn con cái trở thành Phật tử và tu học Phật pháp ngay từ khi chúng còn nhỏ. Chỉ cần hướng dẫn con cái quy y Tam bảo và thực hành năm giới hay năm điều đạo đức của Phật giáo là các bậc cha mẹ có thể hoàn thành bổn phận giáo dục đạo đức của mình.
Rất tiếc, nhiều bậc cha mẹ đã không quan tâm giáo dục con cái trở thành Phật tử. Tình trạng cha mẹ là Phật tử, con cháu không tiếp tục là Phật tử rất phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Việc cha mẹ hướng dẫn con cái trở thành Phật tử ngay từ nhỏ để chúng được giáo dục đạo đức tránh ác làm thiện là hoàn toàn khả thi. Nó dễ hơn nhiều so với việc con cái thuyết phục cha mẹ quy y Tam bảo.
II.Cha mẹ bỏ rơi con cái sẽ phải chịu quả báo gì?
1. Bỏ rơi con – gieo nghiệp bất hiếu với chính mình
Đức Phật dạy: “Người gieo nhân nào thì gặt quả nấy.” Khi một người cha hoặc người mẹ bỏ rơi con cái, họ đang tạo ra một nhân bất thiện – nhân của sự vô trách nhiệm, vô cảm và thiếu lòng từ bi. Trẻ nhỏ sinh ra không có quyền lựa chọn cha mẹ. Việc bị bỏ rơi sẽ gieo trong lòng chúng nỗi đau tinh thần, cảm giác bị từ chối, mất phương hướng trong cuộc sống. Nỗi đau này là nghiệp bị tạo ra bởi chính người cha mẹ ấy, và họ sẽ phải gánh chịu hậu quả trong kiếp này hoặc những kiếp sau.
2. Quả báo hiện đời: cô độc, bệnh tật, con cái bất hiếu
Trong nhiều câu chuyện nhân quả được ghi chép trong kinh điển và các sách Phật giáo, những người từng bỏ rơi con cái thường phải chịu cảnh cô đơn, không ai chăm sóc khi về già, hoặc bị chính con cái đối xử lạnh nhạt, ngược đãi. Đây chính là quả báo của hành vi vứt bỏ tình thân trong quá khứ.
Không ít người vì bỏ rơi con từ nhỏ mà về sau sống trong hối hận, nhưng không còn cơ hội bù đắp. Thậm chí có người sinh thêm con khác nhưng lại bị con ngược đãi, coi thường, hoặc sống trong cảnh thiếu thốn, bệnh tật không ai chăm sóc. Tất cả đều không phải “trời phạt”, mà là quả báo từ nghiệp mình đã tạo ra.
3. Quả báo trong tương lai: tái sinh vào cảnh giới khổ đau
Nếu người cha hoặc mẹ không sám hối, không hối cải mà vẫn tiếp tục sống trong sự vô minh, vô cảm, thì theo Phật giáo, khi chết đi, nghiệp xấu ấy sẽ dẫn dắt họ tái sinh vào những cảnh giới thấp hơn, như:
-
Làm súc sinh – chịu cảnh đói khát, thiếu tình thương.
-
Sinh vào gia đình bất hạnh – bị người thân ruồng bỏ lại.
-
Làm người nhưng phải chịu quả báo bị chính con mình bỏ rơi, hoặc sống không con cháu
Kết luận
Cha mẹ là gốc rễ của đời con, nhưng tình thương và trách nhiệm cũng là căn bản của làm người. Bỏ rơi con cái là hành vi đi ngược lại thiên lý, trái với lòng từ bi và nghĩa ân sinh dưỡng. Theo nhân quả, người gieo khổ đau cho con trẻ, sớm muộn cũng phải nhận lại sự cô đơn, lạnh lẽo và tổn thương như chính họ đã gây ra.
Biết sai và quay đầu là Phật. Nếu bạn là người từng phạm lỗi, đừng tuyệt vọng – hãy thắp lên ngọn đèn của từ tâm, biết ăn năn và hướng thiện, bởi “Nghiệp xấu lớn đến đâu cũng có thể chuyển hóa bằng tâm hối cải chân thành.”