Những điều ít biết về Tháng Cô Hồn Rằm Tháng Bảy
Mỗi năm cứ vào tháng 7 âm lịch là người ta lại lo lắng, thận trọng từ việc nhỏ đến lớn. Đặc biệt những người làm ăn kinh doanh thường kiêng dè vào tháng này, mà thực tế cho thấy vào tháng này người ta cũng ít khi làm được việc mà đa phần chỉ toàn gặp chuyện xui xẻo. Dân gian gọi đây là tháng cô hồn. Vậy tháng cô hồn là gì?
Vì sao người ta lại gọi với cái tên như vậy?. Ngày hôm nay các bạn hãy cùng Kênh Tử Vi chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu nhé
I.Tháng cô hồn là gì?
Vào tháng 7 âm lịch hàng năm người ta sẽ gọi là tháng cô hồn. Sở dĩ người ta gọi như thế là vì vào thời gian này, các linh hồn người chết và ma quỷ đói được quay về dương gian.
Đây là cách gọi theo Đạo giáo của người Trung Quốc, vào ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan để quỷ đói được trở về với cõi trần và cho đến đúng đêm 14/7 các linh hồn này sẽ phải trở lại địa ngục ví lúc này cánh cửa địa ngục sẽ đóng lại.
Tháng cô hồn chỉ bắt đầu từ 2/7 âm lịch đến 12h ngày 14/7 âm lịch. Qua 12h là ma quỷ sẽ quay trở về địa ngục. Vào thời gian này trong năm người ta thường kiêng cử rất nhiều thứ, tránh làm những chuyện trọng đại trong những ngày này như xây nhà, mua nhà, mua xe hay làm ăn,… vì sợ gặp vận xui.
Người dân thường cúng cô hồn vào 3 ngày là mùng 2, 15, 16.7 và thường cúng vào buổi chiều tối. Nhiều người gọi rằm tháng 7 là “Tết quỷ” nhưng thật ra khái niệm này là của Đạo giáo Trung Quốc. Còn người Việt gọi đây là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.
II.Vì sao tháng cô hồn nhiều âm khí?
Dưới góc nhìn từ bộ môn Lý học, Âm Dương ngũ hành tức là bộ môn nghiên cứu từ cổ xưa về các vấn đề tương tác của vũ trụ và trái đất lên cuộc sống của con người thì tháng 7 âm lịch hoàn toàn không liên quan tới vong, ma và thế giới của những người đã khuất.
Tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian vị trí của Trái Đất khi quay theo quỹ đạo quanh Mặt Trời ở vị trí gần xa nhất nhưng ngày lễ, tết của chúng ta lại dựa vào nền tảng của Lý học, tức là hệ thống lịch Can chi.
Tháng 7 âm lịch có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung, do vậy theo Lý học Việt thì tháng này âm khí rất vượng. Thiên Can là hình tượng mô tả quy luật tương tác từ bên ngoài tới Trái Đất và ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tháng này có thời tiết phổ biến là mưa gió, lũ lụt…
Làm không khí ẩm ướt. Tháng 7 âm khí cực vượng vào ngày 15 thì được coi là khí âm thoát lên từ lòng đất mà xưa kia người ta cho rằng cái gì thuộc về âm tức là cõi âm là ma quỷ.
Chính từ đó, dân gian cho rằng đây chính là tháng của vong hồn lên ngao du cõi dương từ góc nhìn thần thánh, ma quỷ, vong hồn.
III.Truyền thuyết ngày xá tội vong nhân tháng cô hồn
Một thời đức Thế tôn ở tại Tăng già lam Ni câu luật na, thành Ca tỳ la vệ, cùng với các vị tỳ kheo và các vị bồ tát, vô số chúng sanh, bao quanh khắp cả, vì nghe ngài thuyết pháp. Lúc bấy giờ, tôn giả A Nan đang độc cư ở một nơi vắng vẻ, nhất tâm buộc niệm.
Ngay sau canh ba đêm ấy, tôn giả A Nan thấy một ngạ quỷ tên là Diện Nhiên, đứng trước mặt ngài thưa bạch lời rằng: Sau ba ngày nữa mạng sống của thầy sẽ hết, liền sinh vào thế giới ngạ quỷ.
Lúc đó, tôn giả A Nan nghe lời ấy rồi tâm thần hoảng hốt, hỏi lại ngạ quỷ: Tôi gặp tai hoạ này, vậy thì có phương cách gì để thoát cái khổ kia không ?. Khi ấy, ngạ quỷ nói với tôn giả rằng:
Vào lúc sáng sớm, nếu thầy có thể bố thí cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ cùng với trăm ngàn vị bà la môn tiên, mỗi người nhận được phần thí là một đấu thức ăn uống, tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đa, lại còn vì chúng tôi mà cúng dường Tam bảo, nhờ đó chúng tôi thoát được cái khổ ngạ quỷ, sinh về cõi trời, thì thầy mới được tăng tuổi thọ.
Tôn giả A Nan nhìn thấy ngạ quỷ Diện Nhiên đây thân hình gầy gò, khô cháy xấu xí, trên mặt lửa cháy, cổ họng nhỏ như cây kim, đầu tóc rối bù, lông dài móng nhọn, thân như đang vác nặng, lại còn nghe những lời chẳng thuận như vậy, nên đâm hoảng sợ, lông thân dựng đứng.
Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi mau về chỗ đức Phật ở, năm vóc sát đất, đảnh lễ dưới chân Phật, thân tâm run sợ mà bạch với đức Phật rằng: Xin đức Thế tôn cứu con, xin đức Thiện thệ cứu con ! Qua ba ngày nữa mạng con sẽ tận. Đêm qua con gặp một ngạ quỷ tên là Diện Nhiên, ngạ quỷ ấy nói với con rằng, qua ba ngày nữa mạng con nhất định phải tận, sanh làm ngạ quỷ.
Con hỏi ngạ quỷ, có phương cách nào để thoát cái khổ ấy, ngạ quỷ đáp rằng, nếu con có thể bố thí các món ẩm thực cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ qủy, cùng với trăm ngàn vị bà la môn tiên thì con mới được sống thêm. Bạch đức Thế tôn, nay con làm cách nào thoát được cái khổ kia?.
Bấy giờ, đức Thế tôn bảo tôn giả A Nan rằng: Ông nay chớ sợ, ta có những phương tiện khác giúp ông làm được sự bố thí vật thực như thế cho các ngạ qủy và chúng bà la môn tiên, ông chớ sanh lòng sầu lo.
Đức Phật dạy tôn giả A Nan: Có một đà la ni gọi là Nhất Thiết Đức Quang Vô Lượng Uy Lực, nếu ai có thể tụng đà la ni này thì lập tức thành tựu sự bố thí cho số lượng câu chi na do tha trăm ngàn hằng hà sa số ngạ quỷ cùng với 68 câu chi na do tha trăm ngàn vị bà la môn tiên. Mỗi vị đó sẽ nhận được 49 đấu ẩm thực, tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan: Ta ở đời trước, có lúc làm thân bà la môn, đối trước Bồ tát Quán Thế Âm và đức Như lai Thế Gian Tự Tại Đức Lực mà tiếp nhận đà la ni này. Ta nhờ thần lực của đà la ni này mà được đầy đủ vật thực bố thí cho vô lượng vô số ngạ quỷ, chúng bà la môn tiên. Do ta bố thí vật thực cho chư ngạ quỷ nên họ rời bỏ được cái thân ngạ qủy, sanh về cõi trời.
Này A Nan, ông nay nên thọ trì đà la ni này để tự hộ thân. Đức Phật liền nói chú rằng: Na ma tát phạ đát tha yết đa, phạ lộ chỉ đế, tam bạt ra, tam bạt ra, hổ hồng.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan: Nếu ai muốn làm pháp thí thực này thì trước phải đem đồ ăn món uống đặt để trong đồ đựng sạch sẽ, tụng 7 biến đà la ni này rồi chú thực. Đứng bên trong cánh cửa, đưa tay ra ngoài cửa, đặt đồ đựng thức ăn xuống chỗ đất sạch, búng ngón tay 7 lần vào đó.
Làm pháp thí thực xong thì trong khoảng bốn phương của nơi đó có trăm ngàn câu chi na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ, ở trước mỗi vị ngạ quỷ có 49 đấu ẩm thực, tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà. Chư ngạ quỷ như vậy khắp đều được no đủ. Chư ngạ quỷ đó sau khi ăn uống xong thảy đều xả bỏ cái thân ngạ quỷ mà được sanh lên các cõi trời.
Đức Phật lại dạy tôn giả A Nan: Nếu chư tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ai có thể thường tụng chú đà la ni này cùng hiến cúng đồ ăn thức uống thì thành tựu trọn vẹn công đức vô lượng, như công đức của sự cúng dường cho trăm ngàn câu chi đức Như lai vậy, thọ mạng thêm lâu. Người ấy có nhan sắc tươi đẹp, uy đức cường trí.
Cũng từ đây, tục Cúng cô hồn hay gọi là Phóng diệm khẩu (thả quỷ miệng lửa) ra đời. Vào ngày này, nhà nhà sẽ nấu những mâm cơm cúng cho các vong hồn vật vờ không nơi nương tựa và ăn chay, niệm phật để tránh xui rủi, những điều không may.
Tục cúng cô hồn có thể diễn ra bất cứ khi nào vào Rằm tháng Bảy nhưng thường được cúng nhất là vào chiều tối ở sân nhà, trên vỉa hè với 2 mâm cúng gồm một mâm cúng tổ tiên và một mâm cúng chúng sanh.
Trong mâm cúng tổ tiên ngoài những món ăn ra còn có cả tiền vàng mã, sau khi nhan tàn chúng sẽ được đốt đi với lòng tin những tổ tiên đã khuất sẽ nhận được chúng ở cõi âm, họ sẽ có cuộc sống sung túc hơn tại đó. Còn trong mâm cúng chúng sanh sẽ có bánh kẹo, muối, gạo, áo mão, tiền vàng mã, khi cúng xong những vật này sẽ được vứt ra đường nhằm cho những oan hồn vất vưởng nhặt lấy, không theo quấy phá gia chủ.
IV.Tháng 7 không chỉ là tháng cô hồn mà còn là mùa Vu Lan báo hiếu
Trong tháng 7 âm lịch không chỉ có ngày xá tội vong nhân, Rằm tháng 7 còn được biết đến là ngày Vu Lan báo hiếu. Trong văn hoá tín ngưỡng người Việt, đây là ngày lễ lớn trong năm, có ý nghĩa giáo dục con người biết đền đáp công ơn sinh thành và thể hiện lòng hiếu thảo.
Ngày Vu Lan báo hiếu không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo vô cùng lớn mà còn trở thành ngày truyền thống của người dân đất Việt, mang đến một nét văn hóa tinh thần tốt đẹp, chứng tỏ tháng 7 âm lịch là tháng chúng ta nên làm những điều tốt đẹp, hướng thiện.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó Trưởng ban – Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phân tích nguồn gốc của lễ Vu lan trong đạo Phật.
Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuần lễ Vu Lan vào dịp tháng 7 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 7.
Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu) một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục.
Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật Thích Ca tại sao mẹ mình lại đau khổ dưới cõi địa ngục, làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy: nguyên do bà Thanh Đề sau khi chết bị đọa cõi địa ngục đau khổ là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam, bỏn xẻn.
Vì vậy muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp rằm tháng 7 sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.
Kinh này cũng dạy mọi người đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần báo ân – báo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên, những người có công sinh thành dưỡng dục. Đến ngày rằm tháng 7 mỗi năm sắm sanh lễ vật đến chùa lễ Phật tụng kinh, làm nhiều việc phúc để hồi hướng, chú nguyện cho cha mẹ còn sống được song đường trường thọ, hạnh phúc; tổ tiên, cha mẹ và những người đã mất được siêu sinh tịnh cảnh.
V.Tháng 7 cô hồn có thật sự xui xẻo?
Theo quan niệm của nhà Phật, hoàn toàn không có khái niệm tháng cô hồn trong phong tục của người Việt. Ngày xá tội vong nhân không phải là ngày xấu, hay ngày mang đến những điều xui xẻo mà là thời gian ân xá cho những tù nhân cõi âm được siêu sinh, an lành.
Chính vì vậy, ngày này mang đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hoàn toàn không phải là ngày vong hồn bước ra khỏi cánh cửa địa ngục, lên trần thế phá phách cuộc sống bình yên.
Và đây cũng chính là lý do giải thích cho việc, mọi người không nên kiêng kỵ làm những việc như mua nhà, xây nhà, mua xe…
Chỉ cần mỗi chúng ta sống luôn tích đức, làm nhiều việc tốt và không phạm phải những điều xấu, hạn chế sát sinh nhất là trong những ngày Rằm và mùng 1 thì tự nhiên vận may sẽ đến. Đứng trên góc độ Phật giáo, tháng 7 hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn” và cũng không mang lại nhiều điều xấu đến vậy.
VI.Cúng cô hồn thế nào cho đúng?
Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Với quan niệm, sau khi chết, hồn con người vẫn tồn tại, có thể đầu thai hoặc bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói (ngạ quỷ). Vào tháng cô hồn, người dân Việt Nam cúng vào ngày rằm hoặc ngày khác tùy thuộc vào từng gia đình và vùng miền.
a.Gợi ý chuẩn bị mâm cúng cô hồn như sau:
– Bánh kẹo, hoa quả các loại, muối gạo, bỏng ngô, cháo trắng loãng, cơm vắt, ngô, khoai, sắn, mía để nguyên vỏ cắt khúc ngắn nhỏ, đường cục…
– Giấy áo, giấy tiền vàng mã, hương nhang, nến, nước lọc…(cúng cô hồn không cúng đồ mặn, tất cả hoàn toàn là đồ chay).
– Phần cúng quan trọng nhất là món cháo loãng. Quan niệm dân gian cho rằng, món này dành cho những linh hồn bị đày đọa có thực quản nhỏ và hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Bởi vậy, khi chuẩn bị mâm cúng đúng cách cúng cô hồn nhất thiết cần phải có món cháo loãng.
Thời điểm cúng cô hồn cũng rất quan trọng. Lễ cúng cô hồn thích hợp nhất nên thực hiện vào buổi chiều tối. Bởi theo quan niệm dân gian, ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mạnh nên các cô hồn được “mở cửa” thả ra rất yếu. Vì thế, nếu cúng ban ngày, các cô hồn sợ ánh sáng sẽ không thể đến nhận những đồ vật phẩm cúng của các gia đình nên không hiệu quả.
Vị trí mâm lễ cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Nhiều người lo ngại khi cúng chúng sinh, nếu cúng xong không biết cách mời vong đi thì sẽ rước vong vào nhà. Nếu lo ngại thì bạn có thể cúng tại chùa.
Lưu ý, khi cúng cô hồn không cúng đồ mặn như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,… vì làm tăng tính sát sinh khiến các cô hồn còn sân hận và luyến tiếc dương thế.
– Nên cúng đồ chay để các cô hồn dễ siêu thoát hơn. Bên cạnh đó, khi cúng không nên cầu xin gì mà chỉ thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn.
– Không nên để trẻ con, phụ nữ mang thai và người già lại gần khi cúng cô hồn vì dễ bị cô hồn trêu chọc, quấy rối.